Tại nước ta các bệnh liên quan đến thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng gây ra thiệt hại liên quan đến chi phí y tế lên tới 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm và tổn thất kinh tế tương đương 1,14% GDP. Việc kiểm soát tiêu dùng thuốc lá thông qua tăng thuế đã được chứng minh là biện pháp cấp bách và hiệu quả hàng đầu để giảm tỷ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đóng góp vào tăng trưởng bền vững của quốc gia.

Kỳ họp Quốc hội thảo luận về điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt sắp diễn ra là cơ hội quan trọng để Việt Nam hành động thúc đẩy tăng thuế thuốc lá theo phương án có lợi và cân bằng nhất.

Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc lá cao, đặc biệt là ở nam giới (41,1%), điều này không chỉ làm suy yếu lực lượng lao động mà còn gia tăng gánh nặng bệnh tật và bất bình đẳng trong chăm sóc y tế. Các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế và y tế của đất nước.

Dù Việt Nam đã có chính sách thuế thuốc lá, nhưng mức thuế hiện tại vẫn chưa đạt hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc. Hiện nay, thuế thuốc lá tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ, thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tối thiểu 75% giá bán lẻ. Điều này khiến thuốc lá vẫn ở mức giá rẻ và dễ tiếp cận, đặc biệt là với thanh niên và người có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang áp dụng hệ thống thuế tỷ lệ phần trăm trên giá xuất xưởng tức là thuế được tính theo phần trăm giá bán của nhà sản xuất. Với cách tính này nhà sản xuất có thể giảm giá xuất xưởng để tránh thuế cao, khiến giá thuốc lá trên thị trường vẫn ở mức thấp, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn thay vì từ bỏ hút thuốc.

So sánh với các nước trong khu vực, giá thuốc lá tại Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất. Ví dụ, tại Singapore, giá một bao thuốc lá trung bình là khoảng 7,50 USD (tương đương 180.000 đồng), trong khi tại Việt Nam, giá chỉ dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/bao. Đồng thời, sự gia tăng thu nhập khiến thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn, làm giảm đáng kể tác động răn đe của thuế đối với hành vi tiêu dùng thuốc lá và làm suy yếu các nỗ lực kiểm soát thuốc lá.

Việc duy trì hệ thống thuế yếu kém không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn gây thất thu ngân sách. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các quốc gia có chính sách thuế thuốc lá mạnh mẽ thường thu về nguồn ngân sách đáng kể hơn từ thuế thuốc lá, đồng thời giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng cải cách chính sách thuế thuốc lá bằng cách áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp, kết hợp thuế tuyệt đối với thuế tỷ lệ, đồng thời tăng thuế lên mức phù hợp để đảm bảo thuốc lá không còn dễ tiếp cận như hiện nay.