Đường lây của bệnh:

-Lây từ động vật sang người, hoặc từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp gần, vết thương hở, dịch cơ thể... Ngoài ra, bệnh có thể lây qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh.

-Bệnh đậu mùa khỉ không lây qua không khí, trong một vài tình huống, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua các giọt bắn đường hô hấp nhưng cách lây lan này đòi hỏi phải có sự tương tác trực diện, lâu dài, giọt bắn đủ lớn.

Biểu hiện của bệnh:

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ không đặc trưng. 88% bệnh nhân bị phát ban với muôn hình muôn vẻ, 44% sốt, 33% phát ban ở khu vực sinh dục và 27% có một số sưng nổi hạch. Bệnh cũng có triệu chứng không điển hình khác như ho, đau họng, nôn, đỏ mắt... Nốt ban gây đau cho đến khi vỡ ra và tạo thành vảy.

Thời gian ủ bệnh:

Từ 6-13 ngày sau khi phơi nhiễm, có thể kéo dài từ 5-21 ngày, với các triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn... Các nốt ban lớn xuất hiện trước, mưng mủ rồi vỡ ra thành sẹo.

Điều trị, chăm sóc:

Hiện thế giới chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho đậu mùa khỉ, các thuốc đều trong quá trình nghiên cứu. Do đó, các bệnh nhân được điều trị triệu chứng và chăm sóc phát ban để tránh biến chứng.

Theo Tổ chức y tế thế giới, phần lớn người bệnh tự hồi phục trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Các biến chứng nặng bao gồm: nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, và nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. WHO khuyến cáo nhóm này điều trị và theo dõi chặt ở bệnh viện.