Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 86% số ca nhiễm ghi nhận toàn cầu kể từ 16/2 đến 17/3 là BA.2. Các biến chủng trội trước đây như BA.1 và BA.1.1 chiếm khoảng 13%.

Tại Mỹ, khoảng một phần ba số ca nhiễm mới là BA.2, tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho biết trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 23/3.

Tại Hà Nội và TP.HCM, chủng BA.2 cũng chiếm ưu thế trong các mẫu được giải trình tự gene virus,

BA.2 dễ lây nhiễm hơn BA.1 nhưng nó không gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO, cho biết vaccine vẫn hiệu quả chống Omicron và các biến chủng phụ của nó. "Các loại vaccine hiện nay vẫn có tác dụng ngăn ngừa chuyển nặng và tử vong sau mắc Covid-19, với cả BA.1 và BA.2"

Các nhà khoa học cho rằng BA.2 lây nhiễm nhanh do có một số đột biến đặc biệt. Trong các protein gai trên bề mặt virus, chủng phụ này có tới 8 đột biến mới so với BA.1.

Bên cạnh BA.2, WHO cũng cảnh báo về biến chủng lai giữa Omicron và Delta, tạm gọi là Deltacron, được phát hiện hồi tháng 2 nhưng chưa có tên chính thức. Bà Van Kerkhove nhận định trong hai năm trở lại đây, hoạt động xét nghiệm, giải trình tự gene virus đã giúp giới y khoa có thêm hiểu biết về Covid-19.

Các chuyên gia dự đoán trong làn sóng Covid-19 mới, số ca nhiễm vẫn sẽ tăng nhanh. Dù là biến chủng nào, biểu đồ dịch tễ toàn cầu gần như đi theo hướng giống nhau. Số ca nhiễm thấp ổn định trong thời gian đầu và nhanh chóng leo thang theo cấp số nhân. Ca nhiễm chạm đỉnh và đi ngang, giảm ổn định hoặc đột ngột.

Tuy nhiên, các công cụ phòng dịch trước đó vẫn hiệu quả. Dù biến chủng có khả năng lây truyền ra sao, những biện pháp như tiêm vaccine, cách ly F0, đeo khẩu trang và xét nghiệm đều ngăn ngừa được virus. Nếu ứng dụng hiệu quả, nCoV lây lan chậm lại. Nếu gỡ bỏ quá sớm, dịch sẽ leo thang, giới khoa học nhận định.