Môn điền kinh tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 đã chứng kiến “cơn mưa” kỷ lục khi có 5 kỷ lục quốc gia và 14 kỷ lục đại hội được thiết lập bởi các tuyển thủ quốc gia cũng như những gương mặt mới của điền kinh Việt Nam. Đây được xem là chỉ báo thành công cho điền kinh nước nhà, đem lại kỳ vọng khởi sắc trong thời gian tới.

Đáng chú ý, nhiều VĐV vừa vô địch SEA Games 31 nhưng vẫn có điểm rơi phong độ rất tốt. Thậm chí, thành tích ở giải đấu cuối năm này còn tiến bộ hơn so với đấu trường khu vực. Bùi Thị Nguyên là một trong số đó. VĐV của đoàn Quân đội là người đầu tiên giành HCV, phá kỷ lục đại hội ở nội dung chạy vượt rào 100m nữ, với thành tích 13 giây 38. Kỷ lục cũ của đại hội là 13 giây 49 do Bạch Phương Thảo (Nam Định) thiết lập cách đây 12 năm.

Thành tích của Bùi Thị Nguyên cũng rất gần với kỷ lục quốc gia 13 giây 36 tồn tại 23 năm do “linh dương đen” Vũ Bích Hường (Hà Nội) lập tại SEA Games Brunei 1999. Bùi Thị Nguyên chia sẻ: Thành tích này tốt hơn thành tích SEA Games của em rất nhiều, tốt nhất từ trước đến nay của em. Nó ở trong kỳ vọng của em vì mục tiêu của em là phá kỷ lục Đại hội và em đã làm được.

VĐV 7 môn phối hợp Nguyễn Linh Na cũng có được bước tiến đáng khích lệ. Ở SEA Games 31 vừa qua, cô gây ấn tượng với tấm HCV và xác lập kỷ lục quốc gia với 5.415 điểm. Đến Đại hội này, Linh Na tiếp tục vượt qua giới hạn bản thân khi đạt 5.440 điểm. Ngoài những cái tên kể trên, các tuyển thủ quốc gia kỳ cựu như Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thành Ngưng, Nguyễn Thị Thanh Phúc… vẫn duy trì được phong độ và thành tích của mình ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần này.

Đặc biệt, Nguyễn Thị Oanh chưa bao giờ khiến người hâm mộ thất vọng. Chân chạy người Bắc Giang ghi dấu ấn với 4 HCV cá nhân ở các cự ly 1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 10.000m. Nội dung 10.000m này không phải là nội dung sở trường của mình, mà mình chủ yếu thi đấu ở 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m và 1.500m. Nhưng vì nhiệm vụ của địa phương ở Đại hội năm nay và vì bản thân tôi cũng muốn thử sức ở nội dung dài này, nên tôi cố gắng tập luyện thêm để thi đấu nội dung này. Nguyễn Thị Oanh nói.

Tranh tài cự ly không phải sở trường và thi đấu với mật độ dày đặc nhưng Nguyễn Thị Oanh đã cho thấy sự bền bỉ và nỗ lực không ngừng. Cô cán đích với thành tích 33 phút 13 giây 23, vượt qua cả nhà Vô địch SEA Games 31 ở nội dung này là Phạm Thị Hồng Lệ. Đáng chú ý hơn, thông số này giúp Nguyễn Thị Oanh phá sâu kỷ lục quốc gia tới gần một phút. Đây được coi là thông số chạy 10.000m nữ tốt nhất Đông Nam Á trong vòng hơn chục năm qua. Nó cũng xô đổ kỷ lục đại hội 35 phút 10 giây 17 do Phạm Thị Huệ (Quảng Ninh) lập năm 2018. "Oanh rất vui mừng khi mình đã hoàn thành nhiệm vụ cũng như mục tiêu của bản thân mình và ban huấn luyện, địa phương đã đề ra. Mình đã kết thúc kỳ Đại hội thật ngọt ngào với một kỷ lục quốc gia và một kỷ lục Đại hội tại nội dung 10.000m. Oanh nghĩ rằng đây là những thành tích vô cùng giá trị và là tài sản vô giá đối với sự nghiệp của mình", Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.

Đại hội Thể thao toàn quốc năm nay cũng chứng kiến sự trở lại đầy mạnh mẽ của VĐV tiềm năng Nguyễn Trung Cường sau quãng thời gian dài sa sút. Chân chạy người Hà Tĩnh bất ngờ đánh bại đương kim Vô địch SEA Games Nguyễn Văn Lai ở cự ly 5000m, đồng thời phá kỷ lục Đại hội đã tồn tại từ năm 2010 do chính Nguyễn Văn Lai xác lập. Trung Cường chia sẻ: "Anh Lai là tượng đài của điền kinh Việt Nam và cũng là người đã cho em nhiều nguồn cảm hứng. Anh là thần tượng của em, là động lực, mục tiêu để em cố gắng. Lúc em chạy em chỉ nghĩ mình nỗ lực chiến thắng bản thân mình trước chứ không nghĩ là có thể chiến thắng được anh Lai".

Bên cạnh đó, Đại hội 2022 cũng là màn “chào sân” không thể ấn tượng hơn của các gương mặt trẻ tài năng. Đó là Lê Thị Tuyết – VĐV mới 18 tuổi của Phú Yên, loại bỏ hàng loạt đàn chị ứng cử viên để về nhất trên đường chạy marathon nữ, đồng thời xô đổ kỷ lục Đại hội với thành tích 2 giờ 47 phút 03 giây. Vóc dáng nhỏ bé, chỉ cao 1m46 và nặng 37kg, trong lần đầu tiên dự cự ly marathon, Lê Thị Tuyết đã trở thành một “hiện tượng điền kinh” tại Đại hội.

Ngoài ra, VĐV 17 tuổi Trần Thị Nhi Yến (Long An) cũng là một nhân tố mới đáng chú ý ở các cự ly tốc độ khi giành HCV 100m và HCB 200m nữ. Những tín hiệu tích cực này chính là cơ sở để giới chuyên môn và người hâm mộ lạc quan với mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32 vào năm tới.