Theo đó, trong chương trình, du khách được hòa mình vào cuộc sống an lành, yên tĩnh của người dân địa phương. Đặc biệt, lịch trình bao gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như nhuộm chàm, in sáp ong, làm giấy dó, tắm lá thảo dược, thưởng thức văn nghệ của người dân tộc Dao Tiền... Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm hoạt động thú vị như: khám phá hang Sưng, xuyên rừng Sưng tìm hiểu về những cây nghìn năm trong rừng...
Cách Hà Nội khoảng 100 km, nép mình bên núi Biều, tại bản Sưng, người dân sống dưới các căn nhà trệt, mái lợp bằng lá cọ. Đến đây, khách tham quan được trải nghiệm một cuộc sống nguyên sơ, bản làng xinh đẹp, khám phá hang động, hít hà bầu không khí thanh lành...
Nâng cao năng lực tự vững của mô hình du lịch cộng đồng bản Sưng
Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Sưng bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2017. Sau 2 năm hoạt động, 50/75 hộ gia đình trong xóm đã tham gia vào các dịch vụ như lưu trú và ăn uống, hướng dẫn viên, nhóm văn nghệ, thổ cẩm..., thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm.
Dự án ESDS nhận tài trợ của Chính phủ Australia, thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia do Chương trình Aus4Skills quản lý vào tháng 3/2022. Dự án hướng đến mục tiêu duy trì và phát huy các nghề truyền thống, là một phần của mô hình du lịch cộng đồng bản Sưng trong “điều kiện bình thường mới”.
Bà Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: “Dự án đã góp phần bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống như sản xuất giấy dó, thổ cẩm, thảo dược..., cùng với việc tăng cường các kỹ năng truyền thông và tiếp thị, thực hành chăm sóc khách hàng vì sự phát triển bền vững của mô hình du lịch cộng đồng ở bản Sưng. Do đó, lãnh đạo huyện Đà Bắc, đặc biệt là xã Cao Sơn đánh giá rất cao những nỗ lực của nhóm triển khai dự án và mong muốn dự án được tiếp tục sau khi kết thúc vào tháng 3.2023”.
Phục hồi kinh tế, tạo sinh kế cho cộng đồng người Dao Tiền
Sau 12 tháng, bà Nguyễn Hải Yến, trưởng nhóm, công bố các kết quả đầu ra của dự án: Hơn 80 người dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, 1 tổ nông nghiệp được phát triển, ngoài kế hoạch của dự án, gần 60 phụ nữ được tập huấn nâng cao năng lực tự vững, 15 khóa tập huấn đã được triển khai trong vòng 6 tháng (tháng 5 - tháng 11/2022).
Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần khôi phục, lưu giữ được nghề làm giấy dó truyền thống và đa dạng hóa các sản phẩm được phát triển đối với nhóm thổ cẩm và dược liệu. Đặc biệt, phụ nữ là đối tượng được hưởng lợi chính với 75.54% số lượt tham gia tất cả các loại hình tập huấn.
Với mong muốn phát huy những giá trị từ cây cỏ ở địa phương, chị Nguyễn Thị Thùy, thành viên dự án chia sẻ: “Tại bản Sưng, chuyên gia dược liệu đã phát hiện 243 loài thảo dược, trong đó có 181 loài được ghi nhận có tên địa phương và tri thức bản địa. Nguồn tài nguyên cây thuốc tại bản Sưng rất có giá trị và tiềm năng để xây dựng các dự án phát triển dược liệu trọng điểm”.
Đến thời điểm hiện tại, bản Sưng đã xây dựng một nhà xưởng sơ chế dược liệu, cung cấp thiết bị, thiết kế, sản xuất nhãn và bao bì, tập huấn cho tổ dược liệu phương thức thu hái bền vững, xây dựng công thức dược liệu và phát triển được một số sản phẩm như trà giảo cổ lam ngọt, lá tắm thảo dược, xịt muỗi thảo dược và cồn xoa bóp gừng đỏ.
Trước kia, tại bản Sưng đã phát triển mô hình homestay, mô hình HTX chè Shan Tuyết. Đây chính là một hệ sinh thái bổ trợ giữa các nghề ở địa phương, tạo sự đa dạng về sinh kế. Trương tương lai, bản Sưng hứa hẹn là điểm đến trải nghiệm đa sắc, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Với việc bảo tồn và phát triển nghề làm thuốc nam, giấy dó và thổ cẩm, nhóm triển khai dự án ESDS tin rằng, dự án đã phát huy tối ưu sự đa dạng của các sinh kế có thể bổ trợ lẫn nhau, cả trong việc phát triển sản phẩm và duy trì sự yêu thích của du khách trong và ngoài nước, coi bản Sưng như một điểm đến trải nghiệm đa sắc, nâng cao năng lực tự vững của mô hình du lịch cộng đồng bản Sưng.