Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (5- 6/1/2023) tại tỉnh Hòa Bình, do Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) phối hợp cùng Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình tổ chức. Tham dự hội thảo có TS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTT& DL, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, đại diện 7 tỉnh có đồng bào Mường sinh sống là Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội và Đắc Lắc cùng đông đảo các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu khoa học trong nước và các nhà nghiên cứu quốc tế từ các quốc gia Đức, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia.

Hội thảo này là một trong những hoạt động trong kế hoạch xây dựng Hồ sơ quốc gia về Mo Mường, nhằm bổ sung đầy đủ hơn những thông tin khoa học cho nội dung hồ sơ. Đây cũng là dịp để trao đổi, nhìn nhận đánh giá về di sản Mo Mường trong mối quan hệ nội tại với nền văn hóa của dân tộc Mường cũng như trong mối quan hệ so sánh với những loại hình văn hóa tương tự trên thế giới từ các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nghệ nhân đang nắm giữ di sản Mo cũng như từ các nhà quản lý văn hóa địa phương có di sản Mo Mường.

Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đang tiến hành xây dựng Hồ sơ Mo Mường, hoàn thành và trình lên UNESCO vào tháng 3/2023. Có 7 tỉnh cùng cam kết tham gia vào việc xây dựng Hồ sơ di sản Mo Mường gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa và Đắc Lắc.

Người Mường là một trong những cư dân bản địa cư trú lâu đời trên đất nước Việt Nam. Lịch sử của dân tộc Mường gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của đất nước. Người Mường là chủ thể của nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó Mo Mường được coi như một nền văn hóa của người Mường.

Tham dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT& DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Mo Mường là một di sản văn hóa phi vật thể bao hàm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Hội thảo quốc tế hôm nay là một yêu cầu quan trọng của nhiệm vụ lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Để làm rõ những giá trị đặc sắc của di sản Mo Mường, quảng bá cũng như nhằm mở rộng thông tin về các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với di sản Mo Mường hiện có trên thế giới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Hội thảo cần làm sáng tỏ các nội dung: Mo Mường trong mối quan hệ so sánh với những hình thức thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới, đặc biệt quan tâm tới những hình thức nghi lễ tín ngưỡng có yếu tố diễn xướng kể chuyện; Giá trị lịch sử, xã hội, văn học và nghệ thuật trong các câu chuyện ở phần Mo kể chuyện. Đặc biệt, qua hội thảo đề xuất các biện pháp bảo tồn Mo Mường, có thể dựa trên kinh nghiệm thực tế về bảo tồn những loại hình di sản tương tự ở trong nước và trên thế giới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh Hoà Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, được mệnh danh là “miền đất sử thi”, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, với gần 800 di sản văn hóa phi vật thể và trên 18 nghìn hiện vật có giá trị của các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông... Song, tiêu biểu nhất là dân tộc Mường. Với lịch sử sinh sống lâu đời ở Hòa Bình, người Mường đã sáng tạo ra nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Trong đó, không thể không nhắc tới di sản văn hóa Mo Mường với tư cách như bách khoa toàn thư của người Mường.

Trong nhiều năm qua, Mo Mường đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Tuy nhiên, những giá trị của văn hóa Mo Mường chắc hẳn vẫn còn nhiều điều thú vị mà chúng ta chưa khám phá hết được. Mo Mường lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường và có sức lan tỏa tích cực trong tập tục sinh hoạt văn hóa của người Mường. Mo Mường được ví là bách khoa thư dân gian của người Mường nên rất cần được bảo vệ và phát huy trong đời sống đương đại”- ông Bùi Văn Khánh nhấn mạnh.

Với 27 tham luận, trong đó có 9 tham luận của các đại biểu là người nước ngoài, như: Phác thảo sơ qua những đặc trưng cơ bản của Mo Mường; Tính nhân văn và quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan trong văn bản Mo Mường; Giá trị và bài học từ Mo Mường; những giá trị nghệ thuật dân gian Mo Mường và đối sánh với một số thần thoại, sử thi trong văn học cổ đại Việt Nam; so sánh Mo Mường của Việt Nam và những nghi thức tang ma của người Hàn Quốc, Thái Lan…cho thấy sự quan tâm của giới nghiên cứu đối với nghi thức tín ngưỡng đặc sắc này.

Thứ trưởng Bộ VH-TT &DL Hoàng Đạo Cương cho rằng: “Hội thảo là một yêu cầu quan trọng trong quá trình lập hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Mo Mường. Các tham luận được trình bày tại Hội thảo là những cứ liệu so sánh quan trọng, làm sáng tỏ thêm vai trò quan trọng của Mo Mường cũng như các thực hành tín ngưỡng tương đồng trên thế giới”.

GS.TS Wolfgang Mastnak, Đại học Âm nhạc và Sân khấu Munich, Đức với tham luận “ Mo Mường nhìn từ góc độ liên ngành” cho rằng : “Từ góc độ đa văn hóa, nghi lễ Mo Mường phù hợp với nhiều tiêu chí của UNESCO (2005) về di sản văn hóa phi vật thể như tương thích với quyền con người và sự tôn trọng văn hóa lẫn nhau, được chính chủ thể cộng đồng coi đó là một phần thiết yếu trong đời sống văn hóa của họ; là một di sản có sự đan xen gắn bó chặt chẽ giữa ý thức về bản sắc và trí nhớ của cộng đồng, bám rễ vào cộng đồng và tiếp tục được trao truyền, tái tạo. Về mặt này, Mo Mường cũng phản ánh sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới và minh chứng cho sự sáng tạo của con người”. Ông cũng chia sẻ, nghiên cứu Mo Mường theo cách liên ngành làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn là đưa ra câu trả lời, nhưng nó đã truyền cảm hứng cho những nghiên cứu sâu hơn.

Mo Mường không đơn thuần chỉ là một “cái tên” mà hàm chứa bên trong nó là những biểu trưng văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của một dân tộc. Toàn bộ những quan niệm về vũ trụ, về thế giới thiên nhiên, con người, xã hội, về tâm linh tín ngưỡng, về cái đẹp… của người Mường đều có thể được tìm thấy trong văn bản và cách thức thực hành lễ tiết Mo. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường dần bị thu hẹp lại và có nguy cơ mai một. Vì thế, năm 2020, Thủ tướng đã chỉ đạo chọn lựa Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Theo nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Hy Vọng (Hòa Bình), đa số công chúng hiện nay đều hiểu rằng Mo Mường là nghi thức tang ma. Nhưng thực tế, Mo Mường có mặt trong nhiều lễ nghi khác của người Mường như lễ mát nhà, lễ cầu sức khỏe, cầu bình an, mo mừng thọ… Hơn nữa, kho tàng Mo Mường khá đồ sộ cả về lời Mo và âm nhạc. Nếu tiến hành đầy đủ Mo phải mất 23 ngày Mo liên tục với 115 roóng Mo và hơn 44.000 câu thơ Mo. “Hội thảo này góp phần đưa văn hóa Mo Mường, di sản văn hóa Mường lên tầm mức mới. Từ đây có thể là cái mốc để đưa di sản văn hóa Mường ra thế giới và quay trở về phát huy tại cộng đồng”- NNƯT Bùi Hy Vọng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, một trong những thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Mo Mường đó là tính truyền khẩu. TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN cho rằng, đây vừa là cơ hội để những sáng tạo văn hóa được phát huy nhưng tập quán truyền khẩu cũng là những thách thức cho công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Mo Mường.

Câu hỏi cần phải trả lời thông qua hội thảo này là cần nhận diện "giá trị tang ma của người Mường”. Thứ 2 là làm thế nào để con cháu người Mường, cộng đồng người Mường nhận ra được những giá trị đó để bảo tồn, trao truyền và phát huy. Thứ 3 là làm thế nào để cộng đồng người Mường chia sẻ được những giá trị đó với các cộng đồng khác và với thế giới” – TS Lê Thị Minh Lý bày tỏ.

Qua những tham luận cùng những ý kiến trao đổi tại hội thảo mở ra cái nhìn toàn diện hơn về Mo Mường - Một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Mường ở Việt Nam. Đồng thời, kết quả của cuộc hội thảo sẽ là cơ sở khoa học giúp cho việc xây dựng kế hoạch và các biện pháp bảo vệ di sản Mo Mường được thiết thực, hiệu quả hơn.

Hội thảo quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới” là dịp để giới thiệu di sản Mo Mường của Việt Nam đến với giới khoa học quốc tế, là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm bảo vệ các di sản văn hoá phi vật thể tương đồng ở các nước trên thế giới hiện nay.