Chính phủ mới đây đã đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ. Đồng thời, đề xuất nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Có thể nói, nới lỏng chính sách visa được xem là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút du khách quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông và Chuyển đổi số, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtour, vấn đề visa, xuất nhập cảnh cho du khách được xem là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nhất là sau dịch Covid-19, sự cạnh tranh giữa các điểm đến là rất lớn. “Đơn giản hóa thủ tục visa là lời mời gọi không có gì tốt hơn đối với du khách, thể hiện sự chào đón đối với du khách, cho nên nếu đề xuất được thông qua thì sẽ có hiệu ứng rất tốt. Thứ hai là tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực; và thứ ba thì đây là cái cớ để chúng ta quảng bá, truyền thông tới bạn bè quốc tế và cũng là một sự động viên với những người đang làm trong ngành du lịch”.

Theo Tổng cục Thống kê, tính riêng trong quý I năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 2,7 triệu lượt, gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3, con số này là khoảng 900 nghìn lượt. Các doanh thu về dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành... đều tăng. Nhiều địa phương doanh thu quý I tăng mạnh như: TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Kiên Giang... Du khách đến từ châu Á vẫn dẫn đầu trong các châu lục, trong đó Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất tới Việt Nam với ước đạt hơn 800 nghìn lượt trong quý 1 vừa qua, Trung Quốc ước đạt hơn 140 nghìn lượt...

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 35% chỉ tiêu của cả năm. Đây có thể nói là những tín hiệu vui đối với ngành du lịch, mừng về số lượng khách, mừng về tính khả thi mà ngành du lịch đưa ra trong năm nay và quan trọng là thấy được sức sống của du lịch Việt đã khởi động trở lại một cách mạnh mẽ.

Việt Nam đã mở cửa sớm hơn các nước trong khu vực, song chính sách visa lại kém hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến du khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng. Chính vì thế việc đề xuất nởi lỏng chính sách visa và xuất nhập cảnh khi được thông qua sẽ thực sự hấp dẫn và níu chân du khách. Việc đơn giản hóa thủ tục visa, kéo dài thời gian lưu trú cho du khách là cơ hội tốt để tạo sự hấp dẫn cho du khách, đồng thời cũng tạo sự thuận lợi cho các công ty du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng hơn, dài ngày hơn. Có thể kết hợp giữa điểm đến của Việt Nam với một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng đơn giản hóa thủ tục visa chỉ là một điều kiện cần, để du lịch Việt thực sự thu hút và giữ chân được du khách thì cần nhiều biện pháp khác. "Công tác truyền thông quảng bá phải được đẩy mạnh và đưa ra chiến lược cụ thể. Thứ hai là công tác xây dựng sản phẩm và xây dựng thị trường, mở rộng thị trường. Xây dựng những sản phẩm khách cần, khách mong muốn mà phù hợp với từng thị trường. Bên cạnh đó cần tiếp tục đầu tư hạ tầng về du lịch, chất lượng nguồn nhân lực trong du lịch cũng cần được bổ sung, nâng cao, làm đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với khách quốc tế, xây dựng những điểm mua sắm cao cấp…”, ông Nguyễn Công Hoan nêu quan điểm.

Chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Do vậy, nếu mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển du lịch một cách bền vững, không chỉ ở giai đoạn phục hồi mà còn lâu dài về sau.

Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và là lựa chọn hàng đầu thì đòi hỏi các sản phẩm du lịch phải phong phú, đa dạng, đáp ứng được mong chờ của du khách khi tới tham quan, chiêm ngưỡng. Chính vì thế theo ông Nguyễn Công Hoan cần phải đa dạng hóa thị trường, cá biệt hóa sản phẩm cho từng thị trường, chứ không phải một sản phẩm chào đón cho tất cả các thị trường khác nhau. Đặc biệt cần có sự liên kết giữa nhóm các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, nhóm các địa phương có những điểm tương đồng để có sự hỗ trợ lẫn nhau. Làm được những điều đó thì mới thu hút được du khách.

“Văn hóa là thế mạnh và tiềm năng rất lớn của du lịch Việt Nam và đây cũng là sự khác biệt, là giá trị cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Chúng ta cần tổng hợp, sàng lọc lại những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, ẩm thực hấp dẫn du khách để tạo thành bộ sản phẩm và phải giữ gìn. Với di sản khi vào du lịch phải đóng gói thành sản phẩm cụ thể và áp dụng cho từng đối tượng cụ thể”, ông Nguyễn Công Hoan lưu ý.

Kéo dài thời gian lưu trú, mở rộng thị trường miễn visa và chiến lược quảng bá chủ động, sẽ là cú hích cho cả ngành du lịch phục hồi. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần tạo dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của từng vùng, miền... nâng cao chất lượng dịch vụ, vui chơi giải trí mở rộng… để thực sự giữ chân được khách quốc tế. Đây chính là những bước đi khởi đầu để du lịch nước ta đạt được mục tiêu đón khách quốc tế đề ra trong năm nay.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và ông Nguyễn Công Hoan tại đây: