Hiện cả nước vẫn còn khoảng 200.000 liệt sỹ chưa được quy tập và hơn 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa đủ thông tin. Công tác tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sỹ vẫn đang phải chạy đua với thời gian bởi sự mong đợi, khoắc khoải của thân nhân các liệt sỹ. Để đẩy mạnh công tác đền ơn, đáp nghĩa, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” và “Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin”.

Với quyết tâm cao, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, tổ chức, giai đoạn 2013 - 2020, nhiều đơn vị, địa phương đã tìm kiếm, quy tập được gần 17 nghìn hài cốt liệt sỹ. Trong đó, tìm kiếm và quy tập ở trong nước hơn 8 nghìn hài cốt liệt sỹ, ở nước bạn Lào gần 3.000 hài cốt liệt sĩ, Campuchia hơn 6 nghìn hài cốt liệt sĩ. Trong giai đoạn này, bằng các biện pháp đã xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được hơn 4 nghìn trường hợp, trong đó thực chứng được gần 3 nghìn trường hợp và giám định ADN là hơn 1 nghìn trường hợp.

Kể từ khi đề án 150 (đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin) được phê duyệt và triển khai, Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện lấy mẫu hơn 1.800 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ để giám định ADN xác định danh tính liệt sỹ. Với biện pháp này, sau 4 đợt trao kết quả, đã có khoảng 240 liệt sỹ được xác định danh tính và trao chứng nhận giúp nhiều gia đình được đoàn tụ.

Đằng đẵng hơn 40 năm mong ngóng nhưng tin tức về người cha (liệt sỹ Đèo Văn Viễn) vẫn bặt vô âm tín. Cách đây không lâu, anh Đèo Văn Dương huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được thông báo đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu để lấy mẫu sinh phẩm. Sau 1 thời gian chờ đợi, anh Dương nhận được kết quả giám định ADN. “Từ khi sinh ra đến giờ đã gần 50 tuổi rồi, bây giờ mới được gặp bố lần đầu tiên. Khi bố nhập ngũ tôi đang trong bụng mẹ. Từ khi bố mất gia đình cũng rất mong mỏi tìm được hài cốt của bố. Cách đây hai năm có thông báo của Ban liên lạc tìm đồng đội cũ, thân nhân đến tỉnh để lấy mẫu giám định và xét nghiệm ADN. Gia đình tôi rất may mắn và xúc động khi tìm được hài cốt người thân” – Anh Dương chia sẻ.

Gia đình bà Hoàng Thị Sịnh ở bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có 8 anh chị em: 3 trai, 5 gái. Cả ba người anh của bà đều xông pha nơi trận mạc. Nhưng chỉ có hai người trở về, còn người anh thứ hai là liệt sỹ Hoàng Văn Thưa đã dũng cảm hi sinh. Mặc dù, mong muốn tìm được hài cốt của anh để đưa về quê hương nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, khiến cho ước nguyện đó không thể thực hiện được. Khi được Sở Lao động thương binh và xã hội tạo điều kiện lấy mẫu và 3 năm sau thì có kết quả xét nghiệm ADN, gia đình bà Sịnh rất vui. Hơn 50 năm trông ngóng tin tức anh trai, cuối cùng niềm mong ước của cả gia đình cũng đã trở thành hiện thực. Bà Sịnh tâm sự.

Đây chỉ là 2 trong số hơn 240 thân nhân liệt sỹ nhận được kết quả giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Trước đó, Ban liên lạc toàn quốc thân nhân liệt sỹ Mặt trận 31 khu vực cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào) đã có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội đề nghị xác định danh tính đối với hơn 1.000 liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia hy sinh tại Mặt trận 31 khu vực Xiêng Khoảng. Theo ông Nguyễn Tiến Long, Phó ban liên lạc toàn quốc quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự giúp Lào, đây là việc làm cần thiết và có ý nghĩa.

Tổng số hài cốt liệt sỹ được lấy mẫu là gần 2.000, số thân nhân liệt sỹ được lấy mẫu sinh phẩm là hơn 1.000 trường hợp. Kết quả đợt 1 có 23 liệt sỹ có kết quả giám định ADN được trao cho thân nhân; đợt 2 là 26 liệt sỹ, đợt 3 là 94 liệt sỹ, đợt 4 là 99 liệt sỹ. Số mẫu còn lại các đơn vị đang tiếp tục giám định để so sánh, đối khớp kết luận và trao kết quả. Đại tá Nguyễn Lê Cát, Viện pháp y quân đội cho biết do thời gian qua lâu nên việc lấy mẫu giám định ADN gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là do các mẫu hầu hết đã được hơn 40 năm, bên cạnh đó điều kiện khí hậu ở nước ta là nồm ẩm khiến các mẫu phân hủy nhanh. Trong số hơn 1.000 ngôi mộ thì có 73 ngôi mộ là không lấy được mẫu hoặc mẫu có chất lượng kém khó phân tích; thứ 2 là có liệt sỹ không còn người thân để lấy mẫu gây khó khăn cho công tác phân tích, xét nghiệm…Đại tá Nguyễn Lê Cát cho biết.

Đề án 150 cũng nêu rõ các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin bằng phương pháp ADN. Đây là phương pháp giám định bằng kỹ thuật phân tích hệ gen ty thể. Phương pháp này có độ chính xác cao. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào giám định cũng thành công. Vì vậy bà Nguyễn Kim Oanh - Trưởng phòng Phòng Thông tin liệt sỹ - Cục người có công - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khuyến cáo hiện nay Cục người có công chỉ lấy mẫu xét nghiệm những người có quan hệ với bên mẹ liệt sỹ. Đó là mẹ đẻ của liệt sỹ; anh, chị, em cùng mẹ với liệt sỹ; anh, chị, em cùng mẹ của mẹ đẻ liệt sỹ (trường hợp này là cô, dì, chú, bác, những người là anh chị em với mẹ đẻ của liệt sỹ); anh, chị, em con của chị gái, em gái mẹ đẻ liệt sỹ; con của chị gái, em gái liệt sỹ. Tất cả đối tượng này đều phải được đảm bảo là cùng chung mẹ, bên ngoại của liệt sỹ. Bên cạnh đó bà Kim Oanh cũng hướng dẫn trường hợp thân nhân liệt sỹ già yếu không thể đi lại hoặc có những khó khăn không thể đến trực tiếp để lấy mẫu thì có thể tự lấy mẫu bằng cách nhổ 15 đến 20 sợi tóc có cả chân, cố gắng không chạm vào phần chân tóc. Sau đó cho tóc vào phong bì trắng, sạch. Bên ngoài phong bì ghi rõ lấy tóc của ai và quan hệ như thế nào. Ví dụ: Bà Nguyễn Thị A chị gái của liệt sỹ Nguyễn Văn B.

Việc giám định ADN góp phần tích cực trong việc xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, giúp các gia đình liệt sỹ xác định được người thân. Chị Ngô Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ có những lưu ý các gia đình khi có nhu cầu giám định ADN phải có đủ các giấy tờ như: giấy báo tử; bản trích lục hồ sơ quân nhân có ghi chính xác đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh, trường hợp hy sinh của liệt sỹ; xác nhận của quản trang là phần mộ này đúng ở nơi này được đưa về đây và trùng với nơi liệt sỹ mất; đơn xét nghiệm ADN gửi đến Cục người có công. Sau khi Cục người có công tiếp nhận đầy đủ thông tin sẽ ra quyết định cho phép xét nghiệm ADN. Sau đó, khai quật lấy mẫu rồi đưa về Cục, Cục sẽ gắn mã cho mẫu hài cốt này rồi chuyển cho các bên liên quan làm giám định.

Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ là 1 chặng đường dài cần sự chung tay của cả cộng đồng. Với những hiệu quả mà phương pháp giám định ADN mang lại, hy vọng một ngày không xa, sẽ có nhiều liệt sỹ được trở về quê hương trong niềm vui của gia đình và người thân./.

Mời nghe chương trình tại đây: