Nếu tính mốc từ năm 1985 đến nay, nước ta đã qua 3 lần cải cách tiền lương (năm 1985, năm 1993 và năm 2003). Qua mỗi lần cải cách, nhiều nội dung của chính sách tiền lương đã được hoàn thiện cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong phân tích: Qua mỗi lần cải cách, điều chỉnh chính sách tiền lương đều gắn với quá trình đổi mới và cũng phản ánh phần nào chủ trương cũng như kết quả của đổi mới. Do đó đến nay, cơ chế tiền lương đã từng bước được hoàn thiện, góp phần nâng cao, cải thiện đời sống của người dân thông qua thu nhập thực tế. Ngoài ra, chính sách tiền lương cũng đã góp phần dần hoàn thiện cơ chế thị trường, tiếp cận dần theo hướng gắn với kết quả lao động, gắn với kết quả hoạt động kinh tế xã hội và sự cố gắng của người nhận lương.

Một ưu điểm nữa của chính sách tiền lương hiện tại cũng được TS Nguyễn Minh Phong nhắc tới đó chính là sự ổn định của chế độ tiền lương và mức tăng tiến tiền lương ít nhiều đã động lực và sự hấp dẫn cho người lao động tham gia làm việc trong khu vực Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong từng nội dung của chính sách tiền lương hiện hành: “Tôi cho rằng hạn chế nổi bật lớn nhất đó là chính sách tiền lương khu vực công còn phức tạp, chưa cụ thể hóa kịp thời và đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về lương, khiến cho bộ máy nhà nước cồng kềnh”.

Việc thiết kế hệ thống bảng lương hiện nay cũng chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa thu hút được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Đấy là chưa kể còn quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.

“Nói cách khác là nó chưa phát huy được quyền trách nhiệm người đứng đầu trong việc trả lương cho người lao động gắn với kết quả cụ thể của công chức, viên chức người lao động”, TS Phong nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả theo vị trí việc làm. Lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó là các bảng lương mới phản ánh đúng năng lực thực chất và khả năng đáp ứng công việc của cán bộ, công chức, viên chức…

Tinh thần của Nghị quyết 27 là sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do tác động bởi dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội, việc cải cách tiền lương phải phải lùi lại. Tháng 10.2020, tại Hội nghị Trung ương 13, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua đồng ý lùi thời điểm áp dụng cải cách tiền lương đến 1/7/2022 thay vì từ năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết số 27. Tiếp tục, thực hiện Nghị quyết số 27 Hội nghị TW7, khóa 12, hiện Chính phủ đang đề xuất lộ trình cải cách tiền lương, dự kiến từ ngày 1/7/2024. Theo đó chính sách tiền lương mới sẽ được cải cách theo hướng bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, đồng thời thiết kế xây dựng 5 bảng lương mới.

Mới đây, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, sau nhiều năm bị trễ thì việc tăng tốc để kiên quyết thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2024 thể hiện một sự cầu thị, một sự quyết tâm ở cả phương diện chính trị ở cả năng lực kinh tế cũng như là sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình cải cách tiền lương. Đồng thời việc này cũng hướng tới mục tiêu đảm bảo thực hiện nguyên tắc tối thiểu và quan trọng nhất đó là tiền lương chính là phản ánh giá cả của sức lao động. Trả lương và trả công người lao động phải đảm bảo đó là nguồn thu nhập chính, đáp ứng cuộc sống và tạo động lực cho sự phát triển bền vững công bằng xã hội, cũng như thu hút được người tài vào làm việc ở khu vực công.

"Một chính sách tiền lương đúng đắn, phù hợp sẽ đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế và đảm bảo một sự đồng bộ trong cơ chế kinh tế thị trường, đang hướng tới hội nhập".

Đánh giá về những tác động của đề án cải cách tiền lương lần này, TS Phong nhấn mạnh, không những tạo ra được động lực cho lao động cống hiến, đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất lao động mà nó còn đảm bảo việc thực hiện công bằng bình đẳng, minh bạch và dân chủ hóa trong xã hội. Quan trọng hơn khi có một mức lương đảm bảo sẽ hạn chế sự nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền

“Khi tiền lương không đủ sống thì cán bộ công nhân, viên chức sẽ tìm mọi cách để có thêm thu nhập và tham nhũng, nhũng nhiễu chính là một trong những cách để họ có bổ sung nguồn thu nhập này một cách không minh bạch, không hợp pháp”.

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, người đã 3 lần tham gia xây dựng đề án cải cách tiền lương:

"Đề án cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước.

Điều đó thể hiện trước hết, là việc bố trí nguồn tiền cải cách tiền lương. Trong các lần cải cách tiền lương trước, đây là vấn đề khó khăn nhất. Tuy nhiên lần này Chính phủ đã tích lũy, tiết kiệm được một nguồn lực đáng kể để thực hiện cải cách tiền lương.

Thứ hai, trong việc xây dựng hệ thống bảng lương lần này cũng đã đảm tính đồng bộ, hệ thống và quan trọng hơn là đã xác định rõ hơn vị trí việc làm, qua đó sắp xếp tổ chức lại bộ máy để xác định biên chế, tinh gọn bộ máy, đội ngũ biên chế phải đáp ứng được yêu công việc.

Thứ ba, lần này cũng có thời gian rất dài để chuẩn bị hệ thống tiền lương cơ bản. Sau khi Trung ương và Quốc hội thông qua thì tổ chức thực hiện. Tất nhiên vấn đề lương thì cũng rất phức tạp. Mỗi lần cải cách phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu cán bộ, công chức, những người hưởng lương phải có bảo mức sống trung bình trong xã hội và bảo đảm sự công bằng, người làm tốt sẽ được hưởng mức lương cao hơn những người làm việc không nhiều và chưa tốt.

Đây là những cái đột phá lớn nhất của đề án cải cách tiền lương lần này".

Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, chính sách tiền lương mới sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Theo TS Phong, cách thiết kế cơ cấu tiền lương như vậy thì ngoài phần lương cứng, 30% còn lại nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu, cần phải bố trí công tác thi đua như thế nào đó để đánh giá xếp hạng, trên cơ sở đó làm căn cứ người nào xứng đáng được cấp thêm phần thưởng hay phụ cấp. Điều này sẽ tạo động lực buộc người lao động phải cố gắng hết sức trong công việc.

Không những thế, cách thực hiện khoán quỹ lương như vậy cũng sẽ hạn chế một cách nghiêm ngặt hơn sự tăng biên chế một cách thoải mái như trong thời gian vừa qua. Giảm bớt những khoản phụ cấp không chính đáng mập mờ, không minh bạch.

“Hiện nay có nhiều loại phụ cấp nó gắn liền với tính chất cơ quan. Một người làm nhiều nhiệm vụ khác nhau thì các khoản phụ cấp ngoài lương cũng khác nhau. Đây cũng là một trong những hệ lụy của cả một quá trình 20 năm qua không điều chỉnh chính sách tiền lương”, TS Phong mong rằng lần này sẽ xóa bỏ được các khoản phụ cấp vô lý này.

Cải cách tiền lương là vấn đề không đơn giản, cùng với những áp lực đặt ra hiện nay, vậy đâu là điều kiện cần và đủ để việc cải cách tiền lương mang lại những chuyển biến rõ rệt? Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Minh Phong phân tích: Điều cần đó là phải có phương án lương mới, cộng với điều kiện tài chính và đặc biệt hơn nữa sự minh bạch để tạo đồng thuận đoàn kết xã hội trong quá trình cách tiền lương.

“Nếu không nó sẽ tạo ra một cuộc xào xáo và thậm chí còn tạo ra một sự bất tuân hoặc là một sự bất đồng thuận thì rất nguy hiểm trong cải cách tiền lương”. Vì vậy theo ông Phong cần phải có làm thêm thêm những yêu cầu nữa, đó là làm rõ yêu cầu về vị trí việc làm cũng như các tiêu chí đánh giá kết quả công tác theo vị trí việc làm để từ đó xác định mức lương cũng như đảm bảo mức lương đó là phù hợp.

Đồng thời phải làm thật rõ và thật chắc chắn nguồn ngân sách để trả lương, phải chuẩn bị nguồn lực một cách đầy đủ nhất và bền vững nhất. Phải có chính sách và định hướng về cải cách bộ máy cồng kềnh hiện nay.

Liên quan đến vấn đề cải cách chính sách tiền lương, thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 cho biết, những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh covid-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, nhưng vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII

Với những lập luận này, ông Phong kỳ vọng, đề án cải cách tiền lương lần này sẽ tạo ra một làn sóng mới về thu nhập, một làn sóng mới về tinh thần cống hiến, sáng tạo của người lao động làm việc trong khu vực công. Qua đó giúp tạo áp lực để thay đổi bộ máy, tăng quyền hạn, trách nhiệm và sự minh bạch trong quá trình quản lý tiền lương.