Theo số liệu thống kê trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong 7 tháng đã có 85.000 người, đạt trên 77% kế hoạch năm (110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023), trong đó thị trường Nhật Bản 41.000 lao động; Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 37.000, Hàn Quốc khoảng 6.000 lao động. Lao động đi làm việc ở nước ngoài tập trung với số lượng cao nhất tại 02 thị trường truyền thống và trọng điểm là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc); tiếp đó là các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, một số quốc gia trong khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu phi.
Hiện có khoảng 600 nghìn lao động Việt Nam làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nhiều loại hình ngành nghề công việc như sản xuất, chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình) với điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao và ổn định. Một số thị trường ngoài nước tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam, gồm: Đài Loan với khoảng 230 nghìn người; Nhật Bản khoảng 250 nghìn người; Hàn Quốc khoảng gần 50 nghìn người. Lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài được người sử dụng lao động đánh giá tích cực về sự cần cù, chăm chỉ, khéo tay với khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo và làm việc năng suất, chất lượng... đã tạo được uy tín và sự quan tâm của người sử dụng lao động nước ngoài. Đại bộ phận người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài có công việc phù hợp, ổn định, có thu nhập tốt, cao hơn thu nhập khi làm việc trong các ngành nghề tương tự ở Việt Nam.
Chi phí đi lao động xuất khẩu tại Singapore:
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ 31/7/2021 trở về trước, người lao động Việt Nam chỉ có thể làm việc tại Singapore dưới 2 hình thức là visa S Pass (dành cho lao động kỹ thuật) hoặc Employment Pass (dành cho cấp bậc quản lý, điều hành hoặc chuyên gia). Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam sang làm việc theo hình thức Work Permit. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, Singapore đã thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam dưới hình thức visa Work Permit các ngành: xây dựng, hàng hải và chế biến trong 1 năm từ 8/2021 đến 8/2022.
Đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chập thuận để 10 doanh nghiệp (TRIDUC, MDC, VINAMEX, KAIZEN, BINHMINH, LMK, VINASSEM, VITECH, JAVICO, QUINN) đưa lao động đi làm việc tại Singapore tất cả đều là lao động xây dựng theo hình thức Work Permit.
Người lao động sang làm việc tại thị trường Singapore phải đóng các loại phí:
- Chi phí bồi dưỡng ngoại ngữ, kỹ năng nghề (nếu có);
- Chi phí khám sức khỏe, cấp hộ chiếu, visa: Theo quy định của cơ quan, tổ chức khám sức khỏe, cấp hộ chiếu, visa;
- Tiền dịch vụ: 1 tháng lương/12 tháng làm việc theo hợp đồng và không quá 3 tháng lương cho hợp đồng 36 tháng.
Chi phí đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản:
Theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 và Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các chi phí gồm:
Đối với thực tập sinh kỹ năng:
- Chi phí bồi dưỡng ngoại ngữ, kỹ năng nghề (nếu có);
- Chi phí khám sức khỏe, cấp hộ chiếu, visa: Theo quy định của cơ quan, tổ chức khám sức khỏe, cấp hộ chiếu, visa;
- Tiền dịch vụ:
Tiền dịch vụ = Mức trần tiền dịch vụ - Tiền phí quản lý (do bên tiếp nhận lao động trả cho doanh nghiệp dịch vụ).
Ví dụ: Mức lương cơ bản trong thời gian thực tập là 150.000 Yên/tháng, thời hạn hợp đồng lao động 3 năm; Phí quản lý bên tiếp nhận lao động trả cho doanh nghiệp dịch vụ là 5.000 Yên/tháng. Thì Tiền dịch vụ người lao động phải trả tính như sau:
Tiền dịch vụ = [150.000 Yên x 3 (năm)] – [5.000 Yên x 36 (tháng)] = 450.000 Yên – 180.000 Yên = 270.000 Yên (khoảng 49 – 50 triệu VNĐ)
Đối với lao động kỹ năng đặc định số 1:
- Chi phí bồi dưỡng ngoại ngữ, kỹ năng nghề (nếu có);
- Chi phí khám sức khỏe, cấp hộ chiếu, visa: Theo quy định của cơ quan, tổ chức khám sức khỏe, cấp hộ chiếu, visa;
- Tiền dịch vụ: Tiền dịch vụ = Mức trần tiền dịch vụ - Tiền phí quản lý (do bên tiếp nhận lao động trả cho doanh nghiệp dịch vụ).
Ví dụ: Mức lương cơ bản trong thời gian thực tập là 150.000 Yên/tháng, thời hạn hợp đồng lao động 3 năm; Phí quản lý bên tiếp nhận lao động trả cho doanh nghiệp dịch vụ là 5.000 yên/tháng, tiền dịch vụ người lao động phải trả tính như sau:
Tiền dịch vụ = [150.000 Yên x 3 (năm)] – [5.000 Yên x 36 (tháng)] = 450.000 Yên – 180.000 Yên = 270.000 Yên (khoảng 49 - 50 triệu VNĐ)
Chi phí đi lao động tại Đài Loan (Trung Quốc):
Theo quy định hiện hành, các khoản chi phí do người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm: tiền dịch vụ, chi phí khám sức khỏe, học phí, lệ phí cấp hộ chiếu, lệ phí cấp thị thực (visa), tiền đóng góp quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước...., trong đó mức trần tiền dịch vụ được quy định như sau:
- Đối với người lao động đi làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, chăm sóc người bệnh tại cơ sở chăm sóc: không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc, tối đa không quá 03 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên và doanh nghiệp dịch vụ không được phép thu tiền môi giới của người lao động;
- Đối với ngành chăm sóc người bệnh tại cơ sở chăm sóc ở Đài Loan, không quá 0,7 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 02 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên;
- Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ: Mức trần tiền dịch vụ được quy định không quá 0,4 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc, tối đa không quá 01 tháng tiền lương của người lao động/hợp đồng 36 tháng trở lên; doanh nghiệp dịch vụ không được phép thu tiền môi giới từ người lao động.
Người lao động làm gì để tránh bị lừa?
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, để tránh bị lừa đảo, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với doanh nghiệp có Giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tuyệt đối không đi qua các tổ chức, cá nhân trung gian. Người lao động có thể tìm hiểu thông tin về về doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước www.dolab.gov.vn.
Mời quý vị và các bạn nghe ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước tư vấn cụ thể tại đây: