Vùng phát thải thấp là một khu vực được xác định nơi một số phương tiện giao thông không đạt tiêu chuẩn quy định về khí thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông.
Điều 3 Luật Thủ đô quy định rõ: Vùng phát thải thấp là khu vực hạn chế các phương tiện giao thông gây phát thải, ô nhiễm không khí cho thành phố Hà Nội. Đây vừa là định nghĩa, nhưng cũng là mục đích để xây dựng vùng phát thải thấp cho thành phố Hà Nội. Tại Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố đã thể hiện rõ nội dung cụ thể về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp trên địa bàn TP Hà Nội. Bà Lê Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường - Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết: Thành phố Hà Nội sẽ có những quy định, hành lang pháp lý để xây dựng vùng phát thải thấp. Trong đó, có các tiêu chí, điều kiện cụ thể, cũng như biện pháp để các địa phương khác nhau, tùy vào tình trạng, đặc thù, năng lực của mình, để tự xác định những vùng phát thải thấp phù hợp với tiêu chí, điều kiện để cuối cùng, chính sách đó có thể được đi vào thực tế và vùng phát thải thấp được thực hiện trong những năm tới. "Lần đầu tiên vùng phát thải thấp được luật hóa để cải thiện không khí, là cơ sở để thực hiện việc bảo vệ môi trường ở thành phố Hà Nội, từ đó sẽ có những vùng xanh, sạch" - Bà Thủy cho biết.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội ban hành Nghị quyết sẽ có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí tại thủ đô, đưa ra khung chính sách để các cấp chính quyền của các quận, huyện thành phố Hà Nội đưa ra quy định cụ thể để áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, tính đến tháng 8/2024, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó: gần 1,13 triệu ôtô, và hơn 6,9 triệu xe máy và khoảng 1 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn Thủ đô, trong số những phương tiện giao thông đang lưu thông có rất nhiều xe cũ được sản xuất từ rất lâu. Ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, đây là nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường, trong đó xe máy chưa có quy định cụ thể về kiểm tra khí thải. Cùng với đó, những xe chạy bằng dầu diezen cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, do đó tại vùng LEZ, việc hạn chế sử dụng những loại xe này là cần thiết.
Về lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp, tại nghị quyết nêu rõ: Từ năm 2025 đến năm 2030, Hà Nội thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp. Từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn Hà Nội có đủ tiêu chí theo quy định phải thực hiện vùng phát thải thấp. "Trong 5 năm thực hiện thí điểm, 2 quận được áp dụng cần phải có sự quyết liệt trong cách thức thực hiện, từ đó đạt hiệu quả thiết thực, là cơ sở để các địa phương khác học tập, từ đó lan sang các tỉnh lân cận" - Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Nghị quyết cũng quy định thành phố đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải. Bà Lê Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường - Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, khi thực hiện vùng LEZ, Hà Nội sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ, bởi vùng phát thải thấp chưa bao giờ có tiền lệ thực hiện ở Việt Nam, những chính sách ban hành có thực sự đi vào cuộc sống hay không. Cùng với đó, việc chưa có cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn diện để thực hiện và cơ sở dữ liệu để xác định mức phát thải, nguồn thải gây ô nhiễm và các chính sách kiểm soát khí thải, quy chuẩn để kiểm định xe máy, hệ thống quan trắc cũng như hạ tầng về mặt giao thông và giám sát của chúng ta còn chưa hoàn thiện. "Tuy nhiên, những thách thức đó đang trở thành cơ hội thúc đẩy chúng ta hành động. Nếu chúng ta không thực hiện bây giờ, không biết bao giờ chúng ta mới thực hiện được." - bà Thủy khẳng định.
Việc ban hành Nghị quyết “vùng phát thải thấp” là hành lang quan trọng để xây dựng, cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô. Với quyết tâm từ chính quyền và sự đồng lòng của người dân, giấc mơ về một Hà Nội xanh, sạch, đẹp sẽ trở thành hiện thực trong thời gian không xa./.
Mời quý thính giả nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam tại đây: