Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ tháng 4/2021 đã tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông lao động và doanh nghiệp lớn của đất nước. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhiều biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, hạn chế đi lại được thực hiện trong thời gian dài tại nhiều địa phương gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và việc làm của người lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1 năm 2021 đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hơn 9 triệu người, trong đó có 540 nghìn người bị mất việc, 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Năm 2020 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68, ngày 1/7/2021. Sau đó, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 với 12 chính sách, tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp.

Nghị quyết 68 được thực hiện dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản là: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm 2/3 so với Nghị quyết số 42; đảm bảo chính sách có tính khả thi và mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng 1 chính sách.

Ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, cả nước đã hỗ trợ cho khoảng 36,4 triệu người lao động, 394 nghìn đơn vị sử dụng lao động và 508 nghìn hộ kinh doanh với tổng số tiền là khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đại dịch Covid-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát và cả nước đang trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra, đã hỗ trợ số lượng lớn người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Về cơ bản, nội dung các chính sách được xây dựng bám sát theo yêu cầu thực tiễn, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ được thiết kế đơn giản, linh hoạt, hỗ trợ số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, cũng như giúp người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo quy định, thời gian kết thúc thực hiện các chính sách là ngày 31/12/2021 đối với các chính sách hỗ trợ bằng tiền; ngày 31/3/2022 đối với các chính sách hỗ trợ vay vốn; ngày 30/6/2022 đối với chính sách về bảo hiểm xã hội. Bộ LĐTBXH kiến nghị Chính phủ cho phép không tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Nghị quyết số 126 của Chính phủ.

Tính đến ngày 10/12/2022, có 1.242 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng và 482 nghìn người lao động bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động VN kiến nghị: Bộ LĐTBXH cùng với 1 số bộ ngành nghiên cứu, tiếp tục đề suất với Chính phủ có một chính sách, nghị quyết nào đó để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do cắt giảm đơn hàng.

Dưới góc độ đại diện cho người sử dụng lao động, bà Vi Thị Hồng Minh – Phó Giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mặc dù các chính sách của NQ 68 đều đạt hiệu quả, song nhà nước cần nới rộng tín dụng giúp các doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi để chăm lo cho người lao động, trong đó có công tác đào tạo lao động sau 2 năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Nghị quyết 68 được ban hành nhanh chóng, kịp thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước trong việc chăm lo đời sống cho người lao động góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội./.