Lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá. Tuy nhiên, có những người lương hưu lại không đủ đáp ứng chi tiêu sinh hoạt cá nhân.

Hàng ngày cứ 4h sáng, cô Trần Thị Thanh ở Sơn Tây, Hà Nội đã phải thức giấc để ra chợ đầu mối buôn đủ các loại rau gia vị và củ quả rồi bán ở khu chợ gần nhà. 25 năm trước cô Thanh làm công nhân tại một nhà máy đường trên địa bàn. Sau thời gian cống hiến lao động, sản xuất, cô nghỉ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, thế nhưng lương hưu hiện tại của cô chỉ hơn 2.300.000 đồng, không đủ chi tiêu, sinh hoạt khiến cô phải bươn chải vì nếu không cô sẽ phải sống phụ thuộc vào con khi chi phí ngày một tăng. Cũng giống như cô Thanh, bà Nguyễn Thị Quy ở Long Biên, Hà Nội cũng làm công nhân cho một công ty da giày đóng tại Hà Nội. 18 năm trước, khi có 22 năm công tác, với 50 tuổi đời, bà được nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. Sau nhiều lần điều chỉnh lương hưu, hiện hàng tháng, bà được lĩnh 2.500.000 đồng. “Tiền lương hưu chẳng đủ để trang trải sinh hoạt cá nhân, lại còn đám khóc, đám cười, trăm thứ tiền nữa chứ. Nhiều khi không có tiền thấy cuộc sống của mình quá khổ” – bà Quy nói.

Theo BHXH TP.HCM, trong tháng 4/2022, có hơn 214.000 người ở TP.HCM được nhận lương hưu. Trong đó, có hơn 32.000 người có mức lương hưu dưới 3 triệu đồng (khoảng 15%); hơn 31.000 người có mức lương từ trên 3-4 triệu đồng; gần 45.000 người có mức lương từ trên 4-5 triệu đồng; có gần 35.000 người có mức lương từ trên 5-6 triệu đồng.

Ông Đặng Quang Điều – nguyên Trưởng ban Chính sách – Pháp luật – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: Lương hưu dưới 3 triệu đồng khiến người về hưu hết sức khó khăn. Về nguyên tắc BHXH, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận mới mức đóng BHXH, thời gian đóng BHXH, có nghĩa là mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.

Theo quy định hiện nay thì tỷ lệ đóng vào quỹ BHXH là 32% tiền lương, trong đó doanh nghiệp đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5%. Rất nhiều doanh nghiệp tham gia BHXH cho người lao động chỉ cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút mà không phải là thu nhập thực tế của người lao động. Có thể khẳng định, đây là một “chiêu” lách luật. Và có thể thấy rằng, nguyên nhân của việc hưởng lương thấp là do doanh nghiệp đóng thấp.

Không chỉ doanh nghiệp tìm mọi cách để đóng BHXH với mức thấp nhất có thể mà một số người lao động cũng không ủng hộ việc đóng BHXH ở mức cao. Hiện cơ quan BHXH cũng đã áp dụng BHXH số hay còn gọi là VSSID. Qua ứng dụng đó, người lao động biết được mức lương đóng BHXH của mình, thế nhưng lại chẳng ai muốn lên tiếng. Thực tế, có những người có mức thu nhập lên tới 20 triệu đồng/tháng nhưng lại chỉ đóng BHXH ở mức lương tối thiểu vùng.

Để sau này không còn tình trạng lương hưu thấp, người hưởng lương hưu phải chật vật với cuộc sống, ông Đặng Quang Điều – nguyên trưởng ban Chính sách – Pháp luật – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, nên chăng, Nhà nước cần quy định tăng mức đóng BHXH, theo đó mọi khoản thu nhập thực tế của người lao động đều được tính đóng BHXH. Cùng với đó, cần tuyên truyền cho người lao động hiểu, việc đóng BHXH cao là cần thiết, đảm bảo cho cuộc sống khi về già./.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên chương trình với ông Đặng Quang Điều tại đây: