Thời gian qua, Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Phụ nữ Quảng Ninh ngày càng khẳng định là một trong những nhân tố điển hình, tích cực tham gia vào nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Điều quan trọng hơn cả là không chỉ ở các thành phố lớn mà ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, phụ nữ cũng đang tự tin để thu hẹp khoảng cách giới.
Theo anh Đặng Văn Tuấn ở thôn 6, xã Quảng La, phụ nữ ngày càng khẳng định được đóng góp của mình với gia đình và xã hội: "Phụ nữ bây giờ thì không như phụ nữ ngày xưa. Tôi làm công tác xã hội nên thu nhập còn kém cả bà xã, bà xã đi làm bên ngoài thu nhập cao hơn. Việc trong gia đình là phải có sự bàn bạc cả vợ, cả con chứ một mình không quyết được".
Vượt qua rào cản, định kiến giới, với khoảng 49,3% dân số toàn tỉnh, 47,5% lực lượng lao động, phụ nữ Quảng Ninh đã và đang tham gia trên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và ngày càng khẳng định vai trò của mình. Tại xã Quảng La, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nhiều chị em đã tích cực tham gia phát triển kinh tế rất hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình trồng nấm của chị Bùi Thị Nga ở thôn 5, xã Quảng La không chỉ giúp gia đình chị thoát nghèo mà còn khẳng định những đóng góp của chị đối với gia đình.
"Tôi làm nấm từ năm 2010, lúc mới bắt đầu làm thì tôi chỉ làm ít thôi, xong dần dần có kinh nghiệm thì mới làm nhiều, mỗi ngày cũng thu được 20-30kg nấm. Bây giờ hai vợ chồng giúp nhau thôi, chủ yếu là tôi làm, trong nhà thì hai vợ chồng cùng nhau quyết. Nhà tôi bình đẳng hơn trước nhiều, mỗi ngày văn minh lên, chị em bây giờ rất thoải mái", chị Nga chia sẻ.
Tự chủ kinh tế, phụ nữ ở xã Quảng La cũng mạnh dạn hơn trong việc quyết định mọi công việc của gia đình, thay vì luôn cảm thấy mình yếu thế như trước kia. Đây không chỉ là câu chuyện đấu tranh vì “bình đẳng giới” mà còn là cách để phụ nữ nắm giữ hạnh phúc của chính gia đình mình. Hơn hết là nắm giữ vận mệnh chính bản thân mình, như chia sẻ của bà Ngô Thị Khuyên – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng La. "Ở đây thì bây giờ toàn đàn ông vào bếp nhiều, cuộc sống ngày một nâng lên dẫn đến bình đẳng hơn, công việc trong gia đình vì thế cũng sẽ hài hòa hơn và đàn ông sẽ tôn trọng người vợ của mình. Giờ thì như nhau, vợ chưa về thì chồng vào bếp, chồng chưa về thì vợ vào bếp".
Đến xã Dân Chủ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bây giờ cũng không còn hiếm gặp những người đàn ông làm việc nhà, cùng chị em san sẻ những công việc mà trước kia được cho là riêng của phụ nữ. Có được sự thay đổi như vậy là cả một quá trình dài. Theo ông Đinh Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, tuyên truyền về bình đẳng giới luôn là hoạt động được ưu tiên và trọng tâm của địa phương. "Đến thời điểm này địa bàn tôi luôn được đánh giá là làm tốt công tác bình đẳng giới. Hầu hết các cặp vợ chồng đều đã thay đổi nếp nghĩ cũ, các nội dung liên quan đến cuộc sống, hạnh phúc gia đình... được trao đổi cởi mở hơn, nhận thức, suy nghĩ nhờ đó cũng có nhiều tiến bộ".
Trong gia đình, ngoài xã hội, vị thế của người phụ nữ đã có nhiều thay đổi. Điều quan trọng hơn là chính mỗi người phụ nữ luôn ý thức và nỗ lực hơn nữa để khẳng định mình. Từng là một hộ gia đình khó khăn của xã Dân Chủ nhưng nhờ mạnh dạn vay vốn, chuyển đổi khoa học kỹ thuật mà chị Nguyễn Thị Nhàn đã từng bước thay đổi cuộc sống của chính mình. "Cũng vì cấy lúa không hiệu quả nên tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang cây ổi, cây mít... dần dần từ đấy mà vươn lên thôi, kinh tế so với xóm làng cũng được khấm khá hơn. Nhà tôi thì con trai như con gái, cứ thế mà làm không phân biệt gì hết. Người về trước nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa...".
Thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vai trò giới trong mọi khía cạnh của đời sống là một hành trình dài cần sự chung tay của toàn xã hội. Để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, mỗi người cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cũng như ý thức trách nhiệm trong xây dựng gia đình.
Mời nghe bài viết tại đây: