Đổi nghề, đổi nhà vì thất nghiệp
Sau 2 năm dịch Covid-19, fanpage Trường Mầm non tư thục Sao Mai (Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ đăng bài bán rau củ và bất động sản. Cô Tô Nhiên - chủ fanpage và cũng là chủ trường nay đã trở thành shipper bán rau củ, đồng thời cũng là nhân viên của một công ty bất động sản.
Lúc này, những thùng rau củ từ quê Bắc Giang gửi lên là nguồn sống của cả gia đình cô. “Mỗi ngày chỉ ngủ được 2 tiếng đồng hồ. Có những hôm đi chợ, đi từ 8h tối đến 4h sáng mệt quá phải đỗ giữa đường ngủ. Thức dậy, sáng ra lại soạn hàng đi giao”.
Dù biết làm nghề này chẳng được mấy đồng nhưng cô Nhiên cố cắn răng chịu đựng vì giáo viên mầm non chẳng biết gì ngoài dạy trẻ, đi xin việc ở công ty người ta không nhận, làm việc văn phòng thì không có bằng cấp.
"Hồi dịch bất ngờ ập đến, trường mầm non đóng cửa, cả tuần không mua được lạng thịt cho con ăn, bắt con ăn trứng mà trứng là thứ rẻ nhất lúc ấy… Nghĩ cứ thế này con chết mất, cả nhà cũng chết”, cô Tô Nhiên nói trong nước mắt.
“Mỗi ngày giao khoảng 20-30 đơn, hôm nay chỉ có mỗi cà chua”, người phụ nữ bé nhỏ chở con gái 3 tuổi trên chiếc xe máy rong ruổi quanh các căn hộ chung cư ở quận Thanh Xuân – nơi mà gia đình từng sống.
"Hồi đấy mua nhà 2 tỷ cũng vay ngân hàng. Dịch đến khó khăn quá đành phải chuyển xuống một căn hộ ít tiền hơn". Nhưng căn hộ ít tiền ấy đến nay vẫn chưa được bàn giao, vợ chồng con cái đành dắt díu nhau về ở tạm tại Trường mầm non đang ngập trong đống nợ.
Trường mầm non tư thục Sao Mai đã nợ mặt bằng từ tháng 7/2021 với số tiền hơn 100 triệu đồng. Chồng cô Nhiên làm việc ở một công ty xuất nhập khẩu cũng đã ròng rã 5 tháng liền không có lương.
Sinh con được 3 tháng, “cực chẳng đã” đành gửi con cho ông bà ở quê chăm sóc, đứa lớn 3 tuổi lúc theo ba lên văn phòng, khi theo mẹ rong ruổi đi ship hàng… Bế đứa trẻ ngủ gục trên tay sau ngày dài chạy xe khắp phố phường Hà Nội, cô Nhiên lại thổn thức.
“Từ dịch đến nay sút 5-6 cân. Đi giao hàng giữa những ngày mưa lạnh, rét buốt mình khóc to giữa đường “Ông trời ơi, sao để con tôi khổ thế. Nhất là khi bị khách mắng mình cảm thấy tủi thân. Bình thường cha mẹ, ông bà đưa con đi học cũng gọi cô ơi, vâng ạ, này kia rất tôn trọng. Lúc đó mình tự hỏi “hay do mình đi bán rau, người ta nghĩ là dân chợ búa nên coi thường?”, sự uất ức dồn nén khiến cô Nhiên không kìm được nước mắt “nhưng khi về nhà lại phải bình thường vì không muốn chồng con nhìn thấy”.
Đóng cửa trường vì không thể cầm cự thêm
8 tháng cầm cự vì dịch COVID-19, sau nhiều đêm trắng đắn đo suy nghĩ, vợ chồng cô Đinh Thị Hiền, chủ Trường mầm non tư thục Sao Mai ở Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội, quyết định trả nhà. Nhìn những món đồ lần lượt được chở đi, cô Hiền cố ngăn những giọt nước mắt. Ngôi trường này không chỉ là tài sản mà còn là nơi cả gia đình 5 người gắn bó 9 năm qua.
“Chủ nhà cho được 2 tháng rưỡi cuối cùng thì không ủng hộ được nữa. Họ nói thẳng “một là trả tiền sòng phẳng, 2 là dừng lại để họ có phương án”, cô Hiền cho biết.
Ngày trường giải thể, đồ dùng dạy học la liệt nhưng bán thanh lý cũng chẳng ai mua. Hai vợ chồng sắp từng món đồ cho vào thùng rồi thuê xe một nửa chở về nhà nội, một nửa chở về nhà ngoại. Cô Hiền ngậm ngùi: “Mầm non ai cũng ngập ngụa, chẳng ai còn đủ sức giúp đỡ ủng hộ, mang đồ về mà ông bà nội cũng phải khóc…”
Để trả nợ khoản nợ hơn 100 triệu tiền nhà, sinh hoạt phí, lương giáo viên trả gối, cô Hiền quyết định rút tiền bảo hiểm nhân thọ. Từ một chủ trường mầm non tư thục, gia đình cô phải chuyển đi thuê trọ ở một căn hộ tập thể. Để mưu sinh, cô Hiền đổi nghề bán hoa quả, muối dưa cà rồi đi học tư vấn tâm lý, còn chồng thì chạy Grab kiếm sống.
Đóng cửa trường là quyết định khiến cô Hiền stress, đôi khi cũng vì vậy mà vợ chồng lục đục. “Nhưng thôi dừng lại chứ đu theo chẳng biết bao giờ. Lần nữa mãi đã 8 tháng trôi qua, cứ giữ mãi ngôi trường thì căng quá, 2 vợ chồng không lo được”.
Đầu năm nay, sau dòng thông báo vẻn vẹn 1 trang A4 tới các phụ huynh, Trường mầm non AquaKids Montessori ở Ecopark cũng chính thức giải thể.
“Quá đáng tiếc cho một ngôi trường tốt! Nhận được giấy báo mà lòng nặng trĩu” – Buồn, tiếc là những dòng trạng thái của phụ huynh khi biết tin trường đóng cửa. Bà Lê Hồng Thư, Quản lý Trường mầm non này cho biết, sau đợt dịch năm ngoái, số lượng trẻ sụt giảm nghiêm trọng, nhà trường rơi vào cảnh khó tuyển sinh.
Trước dịch, nhà trường có 3 lớp phủ kín cả 3 phòng học. Trường dự định mua thêm thiết bị và giáo cụ để mở thêm lớp thứ 4 nhưng qua mấy đợt dịch số lượng học sinh dần sụt giảm. Trước đây, tổng số 45 học sinh, trung bình mỗi lớp có 15 học sinh nhưng khi dịch đến có hôm cả trường chỉ có 20 bạn đến, giảm hơn một nửa.
Nợ chồng nợ
Đến nay, khi đã tuyên bố giải thể, Trường mầm non AquaKids Montessori vẫn không thể thu hồi được chi phi đầu tư ban đầu.
“COVID-19 ập đến, nhà trường không có bất cứ một nguồn thu nào, trong khi chi phí cố định quá lớn buộc chúng tôi phải gồng lỗ. Tất cả chi phí đầu tư vào trường gần như không thu hồi được, đầu tư hết 1.5 tỷ thì thanh lý tiền giáo cụ không được bao nhiêu, 100-200 triệu thì không là bao cả. Khoản lỗ đó cổ đông phải chia nhau chịu”, bà Thư cho hay.
Mặc dù vẫn còn cầm cự nhưng cô Nguyễn Thị Dung, chủ trường mầm non tư thục Hoa Mai Chích Bông ở Giáp Bát, Hà Nội cay đắng, nếu tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp thì ngày trường tuyên bố giải thể cũng sẽ không sớm thì muộn.
Trước đây, mỗi tháng cô Dung phải đóng 44 triệu đồng/tháng tiền nhà nhưng hiện tại dù được giảm 50% mức đóng thì đó vẫn là con số quá lớn khi 8 tháng nay không có bất cứ nguồn thu nhập nào.
“Chi phí duy trì trường là 30 triệu đồng/tháng, 8 tháng trôi qua hơn 200 triệu đồng, đấy vẫn là đang đi vay mượn”.
Trước dịch, trường mầm non Hoa Mai Chích Bông có 40-50 trẻ, nếu bán sang nhượng có thể được 800 triệu. Thế nhưng “bây giờ có ai mua trường 100-200 triệu đồng cũng bán - dù chỉ bằng 1/10 tiền đầu tư nhưng cũng không ai mua”, cô Dung cho biết.
5 năm mở trường mầm non, chưa thu hồi vốn thì vướng 2 năm dịch COVID-19. Nợ chồng nợ, cô Dung phải đi vay lãi để gồng gánh trường.
Khu vực Phường Giáp Bát hiện có tỷ lệ dân số già cao, số trẻ em trong độ tuổi mầm non ít. Trong khi đó, trên địa bàn phường có 2 trường mầm non công lập nên việc tuyển sinh của các trường tư thục không dễ dàng. 3 năm đầu mở trường, mầm non Hoa Mai Chích Bông vẫn nợ 600 triệu đồng tiền đầu tư. Sau đợt dịch COVID-19 này, nhà trường tiếp tục gánh thêm 250 triệu đồng khoản vay để duy trì trường.
Cô Dung kết luận “2 năm dịch COVID-19 hoành hành, đi làm chỉ bù lỗ cho những tháng ngày nghỉ dịch, đến giờ thì nợ chồng nợ”. Nhẩm tính về tương lai, nếu đến Tết mà học sinh vẫn chưa đến trường thì mầm non Hoa Mai Chích Bông sẽ chính thức đóng cửa.
Sẽ thiếu trường, thiếu giáo viên mầm non hậu COVID-19
COVID-19 đã khiến các chủ trường mầm non tư thục lao đao, thậm chí là trắng tay. Trong khi đó ngày đến trường của trẻ vẫn là ẩn số và học online là một phương án bất khả kháng với trẻ mầm non.
14 năm làm giáo dục mầm non nhưng chưa bao giờ cô Đinh Thị Hiền thấy con đường phía trước mờ mịt như lúc này. Nếu trường mầm non được phép mở cửa trở lại thì cô Hiền cũng chưa có đủ khả năng để đón trẻ “vì mình đã trả nhà, dành hết tiền để trả nợ, rồi liệu đi học có đi ổn định hay cứ dăm bữa nửa tháng dịch bùng phát lại nghỉ?”.
Tuy nhiên, đó không phải là điều mà chủ trường mầm non tư thục Sao Mai lo lắng nhất. Từ khi dịch COVID-19 ập đến, có cô giáo đã đi làm công nhân, có cô xin làm phụ quán ăn, có cô xin nghỉ về quê... vì không đợi được nữa. Nếu trường học mở cửa thì không biết lấy đâu ra giáo viên. Bởi vì khi họ làm quen việc mới, họ thấy ổn với việc đấy, họ sẽ không quay lại với nghề mầm non đầy áp lực.
Đây cũng là lo lắng của chủ trường mầm non tư thục Hoa Mai Chích Bông. “Giáo viên mầm non bắt buộc phải có bằng cấp, giờ phải chuẩn cao đẳng. Để tuyển được giáo viên chính quy mầm non trung cấp đã khó, giờ chuẩn cao đẳng chắc các trường tư thục bỏ nghề hết. Tuyển cô giáo tâm huyết ưng ý đã khó còn đúng chuyên ngành lại càng khó hơn”, cô Dung nói về nỗi khổ của các trường mầm non tư thục.
Không chỉ gánh nặng trả nợ, sửa sang trường, tuyển nhân sự…, mối bận tâm của nhiều nhà giáo dục như cô Nguyễn Thị Dung là trẻ phải đối mặt với rất nhiều rối nhiễu tâm lý khi không được đến trường.
“Tiền bạc mất đi có thể lấy lại nhưng giai đoạn vàng phát triển của trẻ trôi qua không thể lấy lại được. Phụ huynh phản ánh có nhiều trẻ theo học ở trường chúng tôi đang rơi vào trạng thái khủng hoảng hoặc mất kiểm soát cảm xúc, chậm phát triển, chậm nói…”.
Trao đổi với phóng viên VOV2, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Mầm non Ngoài công lập Việt Nam đánh giá, 2 năm dịch COVID-19, các trường mầm non tư thục đóng cửa đồng nghĩa không có bất cứ nguồn thu nào nên rất khó duy trì cơ sở và giữ chân giáo viên.
Trước dịch, ở một số địa bàn đông dân cư đã xảy ra tình trạng thiếu giáo viên mầm non và quá tải số trẻ/lớp. Hiện đã có nhiều giáo viên nghỉ việc, nhiều trường mầm non ngoài công lập tuyên bố giải thể. Một bức tranh nhãn tiền được PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa chỉ ra hậu COVID-19 đó là thiếu các cơ sở giáo dục mầm non, làm gia tăng áp lực lên các trường công lập và các trường tư thục còn lại. Đó là chưa kể việc các nhà đầu tư không còn mặn mà với mầm non ngoài công lập cũng là vấn đề được báo trước.
“Hậu COVID-19 chúng tôi lo lắng nhất là giáo viên vì giáo viên quyết định chất lượng giáo dục. Do thời gian dịch giáo viên đã tiếp cận những công việc khác nên bắt đầu quen công việc và không quay trở lại trường để tiếp tục làm nghề này nữa nên số lượng có thể giảm đi.
Về chất lượng, sau thời gian tương đối dài không làm nghề, tiếp xúc nhiều lĩnh vực làm việc khác, lòng yêu nghề, tư duy về trẻ và sự trong sáng nào đó của người giáo viên có thể ảnh hưởng. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ cần phải có những lớp tập huấn, bồi dưỡng để tiếp tục bồi bổ lòng yêu nghề, giá trị nghề nghiệp, hâm nóng lại cảm xúc với con trẻ trong giáo viên.
Cần sự chung sức để vực lại hệ thống mầm mon tư thục
PGS.TS Đinh Kim Thoa cho rằng, qua dịch bệnh các trường tư thục, ngoài công lập cần nghĩ đến tính đa dạng hóa về mô hình.
“Chẳng hạn, những mô hình như homeschooling. Giáo viên đảm bảo mọi điều kiện chất lượng, phòng dịch, chúng ta sẽ cung ứng dịch vụ cho gia đình, nhóm gia đình theo nhu cầu. Phải thiết lập được các mô hình và sản phẩm rõ ràng, làm thế nào tạo ra được niềm tin cho người sử dụng là các gia đình, phụ huynh. Giáo viên có thể đến nhà dạy trẻ để trẻ không bị ngắt quãng thời gian vàng trong sự phát triển”.
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho rằng để thu hút giáo viên, đặc biệt giáo viên ngoại tỉnh đang làm việc ở các thành phố lớn, cần tạo điều kiện về chỗ ăn ở và các gói hỗ trợ.
Trong khi đó, với các chủ trường phải đi thuê nhà có thể giúp đỡ đàm phán lại giá thuê mặt bằng, kể cả dịch vụ điện nước, có những hỗ trợ nhất định với những trường phải đi vay lãi suất ngân hàng bằng cách giãn nợ, để các chủ trường không quá khó khăn vì dịch COVID-19.
“Chúng ta cũng cần có cái nhìn tổng thể. Nếu giáo dục khó khăn thì từng gia đình khó khăn, nên nếu các doanh nghiệp, cơ sở, Chính phủ tháo gỡ được khó khăn cho giáo dục thì cũng sẽ tháo gỡ được khó khăn cho từng gia đình. Đó là trách nhiệm chung chứ không phải nhìn ở góc hẹp là các chủ trường phải tự chịu”, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa khẳng định./.
Nghe chia sẻ của các chủ trường mầm non tư thục tại đây: