Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được Bộ GD-ĐT tổ chức với quy mô như hiện nay mà không hoàn toàn giao cho các Sở GD-ĐT? Ngân hàng đề thi được xây dựng như thế nào để đáp ứng yêu cầu chú trọng đánh giá năng lực học sinh? PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) dành cho phóng viên VOV2, Đài TNVN cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Bộ GD-ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm xây dựng ngân hàng đề và ra đề thi
Phóng viên: Theo Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, số môn mà thí sinh phải thi tăng lên. Từ việc phải làm 4 bài thi như hiện nay thí sinh phải làm 6 bài thi (trong đó có 4 bài thi bắt buộc và 2 bài thi lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học). Số môn thi tăng liệu có đặt thêm áp lực cho học sinh, thưa ông?
PGS.TS Huỳnh Văn Chương: Trước hết, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD-ĐT công bố khá sớm. Để có bản dự thảo này, Bộ tổ chức nhiều cuộc họp, bàn thảo kỹ và lấy ý kiến rộng rãi từ nhiều chuyên gia. Dự thảo phương án có đề xuất thi 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Điều này khác với phương án thi tốt nghiệp THPT hiện hành khi học sinh chỉ thi 4 bài thi bắt buộc (trong đó có 1 bài thi lựa chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Ở đây, Bộ GD-ĐT muốn nhấn mạnh tới 3 điểm mới dự kiến:
Thứ nhất, 5 năm qua, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự ổn định về phương thức, cách thức tổ chức thi. Bộ đã có những kinh nghiệm tốt cho việc phân quyền, phân cấp thi. Do vậy, tới đây, Bộ GD-ĐT tập trung vào việc xây dựng ngân hàng câu hỏi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ hai, kỳ thi tốt nghiệp THPT hướng đến định hướng nghề nghiệp. Tức là các môn thi tự chọn để phục vụ cho học sinh định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh vào đại học, cao đẳng nghề hoặc định hướng tương lai của các em.
Thứ ba, theo lộ trình, Bộ GD-ĐT ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước để tổ chức thi trên máy tính.
Sau khi công bố phương án, qua truyền thông cũng như các bên liên quan cơ bản đánh giá phương án này khá phù hợp cho Chương trình trung học phổ thông mới, bởi vừa giải quyết vấn đề xét tốt nghiệp nhưng đồng thời có thể giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, kết quả thi đủ độ tin cậy để xét vào đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Phóng viên: Theo phương án, Lịch sử là một trong bốn môn thi bắt buộc. Trước đó việc Lịch sử là môn học lựa chọn hay bắt buộc là đề tài tranh luận "nóng" của dư luận. Lần này, khi đưa Lịch sử là môn thi bắt buộc, Bộ GD-ĐT tin tưởng phương án này sẽ nhận được sự đồng thuận lớn từ dư luận?
PGS.TS Huỳnh Văn Chương: Bộ GD-ĐT cân nhắc rất kỹ và phân tích đa chiều khi đưa Lịch sử là môn thi bắt buộc. Trước đó, Nghị quyết số 63/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu thiết kế môn Lịch sử cấp THPT bao gồm phần bắt buộc và lựa chọn. Điều này nhằm giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và phát triển nhân cách cho học sinh. Khi Bộ GD-ĐT công bố công khai dự thảo đến nay cơ bản học sinh, giáo viên trường phổ thông đều ủng hộ phương án đưa Lịch sử là môn thi bắt buộc. Đương nhiên vẫn còn một số ý kiến trái chiều nhưng Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe, tiếp thu.
Phóng viên: Không ít ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên được tổ chức nhẹ nhàng hơn nữa. Đặc biệt nên trao quyền tối đa cho các Sở GD-ĐT từ việc tổ chức thi đến ra đề thi. Quan điểm của Bộ GD-ĐT như thế nào về đề xuất này?
PGS.TS Huỳnh Văn Chương: Hiện nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT phân cấp khá mạnh. Việc tổ chức thi, xét tốt nghiệp được giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở GD-ĐT tới các trường phổ thông với trách nhiệm tổ chức và tự chịu trách nhiệm rất cao. Bộ GD-ĐT hiện chỉ tập trung vào vấn đề xây dựng ngân hàng đề thi; Xây dựng quy định, quy chế và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thi. Mô hình tổ chức này đã tỏ ra hiệu quả đặc biệt trong 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, hiện có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành phố cả về năng lực ra đề, tổ chức đánh giá kết quả thi. Vì vậy, Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm việc khó nhất đó là xây dựng ngân hàng đề và ra đề thi. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra ở cả cấp Bộ và địa phương để làm sao kỳ thi có độ tin cậy cao nhất, minh bạch nhất và kết quả kỳ thi phản ánh chất lượng dạy và học, làm căn cứ để các trường xét tuyển.
Phóng viên: Hiện nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh thì việc tổ chức một kỳ thi quy mô cả nước như kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có thực sự cần thiết khi mục tiêu quan trọng nhất được Bộ GD-ĐT xác định là xét tốt nghiệp? Nếu chỉ xét tốt nghiệp chúng ta có nhiều cách để thực hiện, thưa ông?
PGS.TS Huỳnh Văn Chương: Hiện nay Chính phủ và trực tiếp là Bộ GD-ĐT đang thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Nghị quyết 29 có nhấn mạnh tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp sau khi hoàn thành chương trình THPT và kỳ thi này đạt được hai yêu cầu: đánh giá đúng năng lực học sinh, xét tốt nghiệp và làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Do vậy, mục tiêu của kỳ thi không chỉ xét tốt nghiệp mà có thể giải quyết nhiều vấn đề. Đặc biệt ở đây, tôi lưu ý, kết quả kỳ thi có thể đạt tỷ lệ rất cao nhưng nó còn có ý nghĩa đối sánh giữa cá thể và cá thể trong quá trình thi, giữa trường với trường, giữa địa phương với địa phương, cuối cùng là tổng thể của ngành và của cả quốc gia. Như vậy kết quả thi giúp chúng ta điều chỉnh chính sách giáo dục sao cho phù hợp. Trong một vài trường hợp có thể điều chỉnh để hỗ trợ từng địa phương trong quá trình phát triển giáo dục.
Tôi nhấn mạnh thêm, quá trình đào tạo hiện nay là đánh giá sự tiến bộ của người học. Do vậy, việc thi chỉ là một quá trình kết thúc cuối cùng còn tập trung lớn nhất đó là quá trình dạy và học, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và đánh giá cuối kỳ. Cuối cùng mới là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
(PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT trả lời trong Chương trình 30 phút cùng VOV2 ngày 27/3)
Phóng viên: Nhưng Bộ GD-ĐT có hướng đến lộ trình giao quyền hoàn toàn cho địa phương trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT?
PGS.TS Huỳnh Văn Chương: Cái này chúng ta thực hiện theo lộ trình. Thế giới họ cũng làm nhiều. Bộ GD-ĐT đang thực hiện cho lộ trình từ năm 2025 đến năm 2027, trong giai đoạn này, như tôi nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT tiếp tục tập trung phát triển ngân hàng đề theo hướng chú trọng đánh giá theo năng lực học sinh. Trong quá trình đó các địa phương có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện khác, lúc đó, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phân quyền mạnh hơn.
Phóng viên: Khi tiếp tục duy trì mô hình, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 giống như hiện nay, Bộ GD-ĐT sẽ có giải pháp gì tăng cường thanh tra, kiểm tra?
PGS.TS Huỳnh Văn Chương: Điều này không phải chờ đến kỳ thi năm 2025 mà ngay trong tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ công bố thông tư sửa đổi về quy chế thi tốt nghiệp 2023 trong đó phân cấp rất mạnh, đặc biệt là sự độc lập của thanh tra, kiểm tra, giám sát hai cấp: Trung ương là của Bộ GD-ĐT, của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời UBND các tỉnh, thành phố điều động lực lượng thanh tra từ các sở, ban ngành để giám sát kỳ thi. Bộ GD-ĐT luôn mong muốn kỳ thi thực sự nghiêm túc, chất lượng và mang đến một độ tin cậy cao nhất để giải quyết được nhiều mục tiêu như tôi đã nói.
Đề thi chú trọng đánh giá năng lực, sẽ có sự phân hóa
Phóng viên: Liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD-ĐT có xác định tăng độ phân hóa của đề thi cao hơn so với hiện nay hay không để các trường đại học làm căn cứ tuyển sinh?
PGS.TS Huỳnh Văn Chương: Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 xác định rất rõ là tập trung phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và có tính toàn diện. Do vậy việc phát triển ngân hàng đề thi theo hướng đánh giá năng lực và có sự phân hóa đề thi là một trong những vấn đề trọng tâm của phương án thi tốt nghiệp THPT. Để thực hiện được điều nay, đội ngũ ra đề thi là vấn đề lớn nhất.
Ngay sau khi phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 được góp ý, tiếp thu đầy đủ và được Chính phủ thông qua thì Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng đề án để triển khai, trong đó có nhiều bước về hạ tầng, công nghệ, máy móc và trong đó nhiệm vụ quan trọng là huy động đội ngũ xây dựng ngân hàng đề theo hướng đánh giá năng lực học sinh, có sự phân loại để xét tốt nghiệp cũng như sử dụng kết quả cho nhiều mục tiêu khác nhau.
Phóng viên: Không ít học sinh, giáo viên có mong muốn sớm được tiếp cận cấu trúc, dạng thức đề thi theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Liệu Bộ GD-ĐT sớm xây dựng và công bố đề mẫu?
PGS.TS Huỳnh Văn Chương: Những ý kiến mong đợi của xã hội và học sinh, giáo viên là chính đáng. Bộ GD-ĐT cũng sẽ sớm bắt tay vào công việc này. Bên cạnh việc xây dựng phương án thi thì cũng dần xây dựng, tập trung đội ngũ, các điều kiện để xây dựng ngân hàng để đủ lớn, đủ để đánh giá được năng lực và ở các mức độ khác nhau. Từ cấp độ nhận biết, thông hiểu cho đến vận dụng và vận dụng cao. Đây là một trong những bước mà hiện nay Bộ GD-ĐT đang tập trung làm và chúng tôi hy vọng là sẽ có những sản phẩm đầu tay trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý phương án thi hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận và sau khi chốt được phương án, được Chính phủ thông qua Bộ GD-ĐT tập trung xây dựng ngân hàng đề mẫu.
Tuy nhiên về mặt quản lý nhà nước chúng tôi cũng khuyến cáo các em học sinh tập trung học theo chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo đang được các nhà trường triển khai. Các em học sinh cứ yên tâm, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung vấn đề xây dựng đề, bám theo chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của môn học, ma trận đề thi...
Phóng viên: Bộ GD-ĐT đặt ra lộ trình từ năm 2025-2030 từng bước tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính. Bộ sẽ có sự chuẩn bị thế nào với lộ trình này, thưa ông?
PGS.TS Huỳnh Văn Chương: Đây là một trong những vấn đề mà Bộ GD-ĐT cũng thảo luận rất nhiều cùng với chuyên gia. Nó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế là hiện việc đánh giá diện rộng thì nên ứng dụng mạnh công nghệ thông tin. Bộ GD-ĐT đã có tính toán việc này và cũng xây dựng cả phương án thi trên máy.
Tuy nhiên thực hiện được điều này phải có lộ trình, các năm 2025, 2026, 2027 vẫn tiếp tục thi trên giấy. Sau đó, Bộ sẽ thí điểm mô hình thi trên máy ở một số địa phương với những mức độ khác nhau. Khi đánh giá được khả năng đồng bộ, các điều kiện khả thi ở địa phương khi đó mới triển khai thi trên máy tính. Các em học sinh yên tâm việc học và thi trên cả hai hình thức. Đặc biệt hình thức thi trên giấy vẫn duy trì trong thời gian ban đầu để các em thích nghi dần.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Huỳnh Văn Chương!