Bạn trẻ đã chủ động hơn trong lựa chọn nghề nghiệp

Cứ vào thời điểm chuẩn bị mùa tuyển sinh, các diễn đàn phụ huynh, học sinh lại ồn ào câu chuyện chọn trường, chọn nghề.

Thi thoảng ai đó vẫn nhắc cụm từ “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua Sư phạm”, một chỉ dẫn hướng nghiệp nổi tiếng một thời. Nhưng những năm trở lại đây, xu hướng chọn nghề đã có sự thay đổi rõ rệt, thường lấy các căn cứ cụ thể hơn như cơ hội việc làm, thu nhập, sức hấp dẫn của công việc, theo trào lưu và quan trọng hơn cả nằm ở sự phù hợp.

Thu Hà, một học sinh THPT ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết cá nhân em thích ngành báo chí truyền thông. Tuy nhiên, vì bố mẹ làm ngành ngân hàng nên định hướng để Hà đăng kí các trường khối kinh tế với lí do dễ tìm việc, thu nhập tốt và có cơ hội phát triển.

Hà dự định vẫn đăng kí nguyện vọng theo mong muốn bản thân vì "từ khi bước vào cấp 3 em đã tự tham gia nhiều hoạt động tập thể như câu lạc bộ trường học, các nhóm thiện nguyện liên cấp ngoài nhà trường... nên em cũng có cơ hội gặp gỡ các anh chị làm báo chí, truyền thông để phần nào hiểu công việc thực tế cũng như thêm quyết tâm theo đuổi đam mê của mình”.

Trần Quỳnh Chi, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cũng là một trường hợp tự quyết trong việc chọn ngành, chọn nghề dù mẹ em là giảng viên một trường đại học thuộc khối ngành kinh tế. Điều may mắn theo Chi nằm ở việc mẹ rất cởi mở, hiểu năng lực và sở thích của con gái để đầu tư cho bạn học ngành thiết kế đồ họa ngay từ cấp 3. Và dù con chọn ngành kĩ xảo điện ảnh- một ngành mới ở Việt Nam, mẹ cũng là người ủng hộ nhiệt thành.

Trong khi các bạn tiếp tục học lên bậc đại học thì Đỗ Thanh Tùng, nhà ở Tây Hồ, Hà Nội lại chọn hướng đi khác hẳn. Bạn chọn học nghề nấu ăn ở một trường nghề với lí do bản thân hứng thú và theo tìm hiểu, thời gian học ngắn giúp em sớm bước vào thị trường lao động và cũng đang rất cần nhân lực được đào tạo ở lĩnh vực này. Bố mẹ Tùng cũng ủng hộ em khi nhận ra từ sớm việc con trai ít có khả năng tập trung học các môn khoa học ở trường.

Người trẻ hôm nay có thêm những căn cứ tốt hơn để chọn nghề, hướng nghiệp

Trước đây, việc học tập, chọn ngành chọn nghề của các bạn trẻ được phụ huynh kiểm soát chặt chẽ. Một số gia đình vẫn còn theo kiểu “bố mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Chẳng hạn trong một gia đình ai cũng theo ngành y, cha mẹ cũng muốn định hướng cho con làm bác sĩ, y tá. Theo Phan Hà Đăng, Phó chủ tịch CLB Nhiếp ảnh và Truyền thông, trường THPT Khoa học Giáo dục (HES) ở thời điểm hiện tại, tư tưởng của các bậc cha mẹ đang dần trở nên cởi mở hơn.

“Các bạn học gì, làm gì được khuyến khích tự lựa chọn dựa trên sở thích, sở trường và mong muốn của bản thân. Đây là một điều tốt vì vừa được theo đuổi những đam mê, sở trường của mình, vừa không phải gồng gánh quá nhiều kỳ vọng từ cha mẹ”.

Nhưng cũng cần khẳng định để chủ động theo đuổi ngành nghề theo nguyện vọng của bản thân các bạn trẻ không phải là điều “muốn là được”. Sở dĩ những trường hợp bố mẹ ép con vào con đường mà bố mẹ vạch sẵn còn bởi khả năng làm điều con muốn chưa thực sự làm bố mẹ tin tưởng, hoặc những điều con thích vẫn còn mơ hồ, vô định, không rõ ràng, chỉ dừng lại ở chữ “thích”.

Để thuyết phục bố mẹ ủng hộ lựa chọn cá nhân, theo Hà Đăng, trước hết các bạn phải khẳng định được khả năng của bản thân, thấy được các bạn thực sự phù hợp với công việc này.

Trường hợp bố mẹ vẫn kiên quyết không đồng ý có thể xuất phát từ chưa thực sự tin tưởng con, hoặc vẫn có tư tưởng bảo thủ. Có thể nguyên nhân bố mẹ muốn rẽ hướng cho con khi nhận thấy cơ hội phát triển của nghề nghiệp đó không tốt hoặc cạnh tranh quá khắc nghiệt.

Một điều theo Đăng cần lưu ý về những định hướng của bố mẹ trong nhiều trường hợp sẽ có ích bởi những am hiểu và có kinh nghiệm trong việc lựa chọn ngành nghề. Và bố mẹ nào cũng muốn mang lại điều tốt nhất cho con, và không phải lúc nào sự ngăn cản của bố mẹ cũng là sự tiêu cực.

Để chủ động lựa chọn nghề nghiệp, các bạn trẻ cần trang bị vốn hiểu biết về ngành nghề, về thị trường lao động, về các xu hướng mới. Từ đó mới có thể đưa ra định hướng đúng đắn cho chính mình.

Phần việc này hiện đã dễ dàng bởi công nghệ phát triển, những khó khăn thắc mắc đều có thể tra cứu từ nhiều nguồn khác nhau. Thậm chí trên mạng còn có khá nhiều các bài trắc nghiệm tính cách, trắc nghiệm hướng nghiệp, mặc dù chỉ mang tính tham khảo nhưng giúp các bạn qua đó hiểu thêm phần nào về bản thân. Ngoài ra, trên trường lớp còn có thầy cô luôn quan tâm, sát sao, các bạn hoàn toàn có thể xin lời khuyên cho những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp tương lai.

Thêm nữa, phải kể đến những hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường. Các bạn trẻ thông qua đây có những trải nghiệm thực tế, thoát ly ra khỏi những lý thuyết sách vở. Nhiều hoạt động hiện tại của học sinh, sinh viên có chất lượng rất tốt và được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, tạo cơ hội để các bạn làm việc với các bạn giỏi và tài năng khác.

Hà Đăng cho biết, bản thân hiện tại cũng đang cùng lúc làm thành viên của các CLB và dự án học sinh.

“Em nhận thấy đây là những một môi trường năng động đồng thời là một mô hình trải nghiệm em có thể học hỏi được nhiều nhất. Rất nhiều kĩ năng mềm như kĩ năng quản lí thời gian, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm được vận dụng linh hoạt và thực tế. Hơn thế, bằng việc phân chia CLB thành các phân ban có chuyên môn khác nhau, em phần nào hiểu được các công việc trong tương lai. Bản thân em đang phụ trách ban nhiếp ảnh, em tìm được đam mê của mình ở lĩnh vực này và em xác định đây là định hướng nghề trong tương lai không xa”.

Việc chọn nghề, hướng nghiệp cũng có những thay đổi trong từng giai đoạn. Ví dụ như với Đăng trong những năm tháng học tiểu học và THCS có tham gia các giải đấu thể thao và đoạt giải. Khi đó bạn nuôi ước mơ được làm vận động viên chuyên nghiệp. Lớn hơn một chút, từ sở thích nấu ăn, đã có lúc bạn nghĩ mình sẽ vào trường nghề, sau này làm đầu bếp. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi đã đủ chín chắn, dành thời gian thử mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau và tìm hiểu về các ngành nghề một cách kỹ lưỡng, Đăng quyết tâm lựa chọn và theo đuổi nghề nhiếp ảnh.

Trong vấn đề hướng nghiệp, chọn ngành chọn nghề, bản thân mỗi bạn trẻ nên tự chủ động xác định rõ mong muốn và khả năng của bản thân, không nên chạy theo người khác theo kiểu “thấy bạn vào trường này nên em cũng đăng kí vào”.

Các tổ chức nhà trường như Đoàn thanh niên theo Đăng cũng có giá trị trong hướng nghiệp cho người trẻ bằng tổ chức nhiều các hoạt động trải nghiệm, workshop hướng nghiệp và hỗ trợ các hoạt động ngoại khoá. Có nhiều cơ hội được thử sức, cọ xát trong các công việc khác nhau sẽ giúp các bạn cải thiện các kĩ năng và đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất cho bản thân.

Hoạt động CLB trường học, các dự án tuổi trẻ giúp thêm nhiều kĩ năng quý giá và mở rộng những mối quan hệ, những lợi ích mà các bạn khó có thể trải nghiệm trong việc học tập thông thường. Từ những hình dung được việc làm cụ thể của các ngành nghề trong tương lai, các bạn sẽ có lựa chọn hợp lý nhất trên hành trình lập nghiệp.

Chọn nghề, hướng nghiệp được coi như việc quan trọng với mỗi bạn trẻ. Sẽ có rất nhiều tác động khiến bạn thay đổi lựa chọn của bản thân. Nhưng nếu thay đổi được bắt đầu từ việc bạn hiểu được mình, biết điểm mạnh, điểm yếu, biết sự phù hợp với phần việc nào sẽ giúp bạn chọn được hướng đi đúng trong tương lai không xa. Để có được điều này, bạn trẻ không chỉ cần học giỏi các môn ở nhà trường. Rèn luyện kỹ năng mềm, tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn… góp phần quan trọng cho sự lựa chọn phù hợp.

Mời các bạn nhấn nút nghe nội dung Hành trang trẻ: