Hội thảo Nhật-Việt về Trí tuệ Nhân tạo (AI), viết tắt là JVAIF, vừa diễn ra ở Hà Nội và Hạ Long do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán của Việt Nam (VIASM), Công ty cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (VinAI) thuộc Tập đoàn Vingroup và Trung tâm về Đề án Trí tuệ Nhân tạo Tiến tiến của Nhật Bản thuộc RIKEN (RIKEN-AIP) đồng tổ chức. Đây là một trong những hoạt động khoa học được tổ chức chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam.

Hội thảo nhằm giới thiệu và chia sẻ một số kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà nghiên cứu về AI từ hai nước, và những khả năng hợp tác về nghiên cứu và phát triển AI giữa hai bên. JVAIF bắt đầu với hai báo cáo đề dẫn của Giáo sư Masashi Sugiyama, Giám đốc của RIKEN-AIP và Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc của VinAI, giới thiệu về đơn vị mình và những kết quả nghiên cứu mới. Chương trình hội thảo có 24 báo cáo chọn lọc từ hai nước, được trình bày và thảo luận với gần 100 người tham gia trực tiếp tại VIASM và nhiều người tham gia trực tuyến từ các trường, viện và các doanh nghiệp công nghệ.

RIKEN là một tổ chức nghiên cứu lớn hàng đầu của Nhật Bản với khoảng ba nghìn nhà khoa học làm việc tại bảy cơ sở trên cả nước, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, hợp tác với gần 500 đối tác quốc tế, và với hơn 800 nhà khoa học quốc tế đến từ 65 quốc gia. RIKEN được thành lập năm 1917, ban đầu tập trung vào vật lý rồi hoá học, và trong mấy chục năm gần đây mở rộng ra các lĩnh vực khác, đặc biệt về khoa học sự sống (sinh học, y học) và khoa học máy tính. Về khoa học máy tính, RIKEN có Trung tâm về Robot, Trung tâm về Máy tính Hiệu năng cao, và trong sự phát triển mạnh mẽ của AI trên toàn cầu, vào năm 2016 RIKEN thành lập Trung tâm về Đề án Trí tuệ Nhân tạo Tiên tiến (RIKEN-AIP).

RIKEN-AIP có mục tiêu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo nhằm đưa ra giải pháp cho các vấn đề quan trọng của cuộc sống như khả năng phục hồi sau thảm họa hay chăm sóc sức khỏe người già, và thúc đẩy các nghiên cứu AI đỉnh cao của Nhật Bản. RIKEN-AIP cũng tiến hành nghiên cứu về các vấn đề đạo đức, pháp lý và xã hội khi phát triển và sử dụng AI, cũng như phát triển nguồn nhân lực liên quan đến AI. RIKEN-AIP có 11 nhóm nghiên cứu các công nghệ lõi của AI, 17 nhóm nghiên cứu các công nghệ AI hướng đích, và 6 nhóm nghiên cứu các vấn đề của AI và xã hội, trong đó nhiều nhóm nằm ở các trường viện trên cả nước. Giám đốc RIKEN-AIP là giáo sư Masashi Sugiyama, đồng thời là giáo sư của Đại học Tokyo, một nhà nghiên cứu xuất sắc có uy tín quốc tế cao. Trong những năm qua, các nhóm nghiên cứu của RIKEN-AIP đã đạt rất nhiều kết quả nghiên cứu AI đỉnh cao (https://www.riken.jp/en/research/labs/aip/).

VinAI là Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, tiền thân là Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI ( thuộc Tập đoàn Vingroup), có trụ sở chính tại Hà Nội, có văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh, và có mạng lưới chuyên gia rộng khắp tại Hoa Kỳ, Úc, Pháp và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Sứ mệnh của VinAI là tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về AI, xây dựng và phát triển các ứng dụng AI tại Việt Nam và thị trường toàn cầu. Thành lập từ năm 2019, VinAI đã nhanh chóng ghi được dấu ấn trên trường quốc tế, khi là đại diện duy nhất của Việt Nam vào top 20 trong hạng mục “Top 100 công ty toàn cầu dẫn đầu về nghiên cứu AI”, theo xếp hạng của Thundermark Capital. Cũng theo đơn vị này, Việt Nam là một trong hai đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong top 30 thế giới về nghiên cứu AI, bên cạnh Singapore. Đặt ra mục tiêu làm nghiên cứu và phát triển AI Việt Nam ở mức ngang tầm thế giới, gạt bỏ các định kiến của thế giới về một Việt Nam lạc hậu về công nghệ cao, VinAI đã quy tụ nhiều chuyên gia AI là người Việt, có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài, các nghiên cứu viên trẻ đầy nhiệt huyết, và một chương trình đào tạo ươm mầm tài năng AI với khoảng 40 sinh viên xuất sắc được tuyển từ các trường đại học trên cả nước.

Sau 4 năm thành lập, VinAI đã có những bước tiến ngoạn mục. Theo Tiến sĩ Bùi Hải Hưng – Tổng Giám đốc VinAI, người trở về Việt Nam từ Google DeepMind – vào năm 2019 VinAI có 6 công bố ở các hội nghị quốc tế hàng đầu về AI, nhưng đến 2023 đã có 117 công bố (trong ngành Công nghệ Thông tin, các bài báo công bố ở các hội nghị quốc tế hàng đầu được xem là thước đo rất quan trọng). Bên cạnh nghiên cứu về các phương pháp của AI, VinAI còn có những sản phẩm công nghiệp, như hệ thống giám sát người lái xe (DMS), giúp phân tích hành vi của người điều khiển phương tiện và cảnh báo bằng giọng nói khi họ ngủ gật, mất tập trung; hệ thống quan sát toàn cảnh 360 độ (SVM) cung cấp chế độ xem 360 độ hoàn toàn trong suốt 'Jelly View', giúp tài xế xác định các chướng ngại vật trong khu vực điểm mù (https://www.vinai.io/).

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Vietnam Institute for Advanced Studies in Mathematics, viết tắt VIASM, (https://viasm.edu.vn/) là một tổ chức khoa học và công nghệ công lập đặc thù hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu toán học, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiệm vụ chính của VIASM là nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của các nhà toán học Việt Nam đang làm việc ở các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước. VIASM cũng có nhiệm vụ làm hạt nhân để vận hành Chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và 2021-2030. Sau hơn mười năm thành lập, VIASM đã trở thành trung tâm kết nối các nhà toán học Việt Nam trong và ngoài nước, các nhà toán học quốc tế và là nòng cốt phát triển toán học Việt Nam.

Một trong các hoạt động trọng điểm của VIASM là thúc đẩy ứng dụng toán học và nâng cao vai trò của toán học trong các lĩnh vực khoa học, trong phát triển kinh tế và xã hội. Để góp phần thúc đẩy hoạt động này, Phòng Khoa học Dữ liệu (DSLab) được thành lập từ năm 2018 tại VIASM. DSLab có thành viên là các giảng viên và nhà nghiên cứu tích cực ở nhiều trường viện về AI trong và ngoài nước cùng triển khai các hoạt động tại VIASM để đóng góp với cộng đồng. DALab tham gia xây dựng và tư vấn cho nhiều chương trình cử nhân, thạc sĩ về AI và Khoa học Dữ liệu cũng như chương trình Phân tích Kinh doanh hoặc Kinh doanh số ở các trường đại học trên cả nước. DSLab tổ chức hằng tháng seminar về AI dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với báo cáo viên là những nhà nghiên cứu uy tín trên thế giới cho mạng lưới hơn 30 trường viện trên cả nước. DSLab chủ trì chia sẻ với cộng đồng nhận thức về nhiều vấn đề thời sự của AI như AI và Giáo dục, ChatGPT…

JVAIF với 24 báo cáo – 50 % của các chuyên gia Nhật Bản và 50% của các chuyên gia ở Việt Nam với các báo cáo của VinAI, DSLab và một số trường viện – đã đề cập đến nhiều nội dung thời sự và quan trọng của AI. Các nội dung này trải rộng từ các nền tảng toán học như C* đại số hay lý thuyết biểu diễn đến các phương pháp học máy thống kê Bayes trong các tình huống khó, suy diễn thống kê, tối ưu đa nhiệm, học liên tục hay phân rã mạng tensor. Một số báo cáo tập trung vào các phương pháp tạo sinh ảnh hay phân tích ảnh 3 chiều, xử lý tiếng nói hay mô hình ngôn ngữ tiếng Việt liên quan đến ChatGPT. Một số nghiên cứu gắn với các lĩnh vực ứng dụng thời sự của AI như nghiên cứu bệnh mất trí nhớ, giao thông tối ưu, hay AI trong in 3D. Điều đáng ghi nhận của JVAIF– theo những người tham gia– là chất lượng cao của các báo cáo, được đánh giá là tương đương với báo cáo ở các hội nghị quốc tế hàng đầu về AI.

Một ngày trước khi diễn ra JVAIF, đoàn đại biểu Nhật Bản do giáo sư Sugiyama dẫn đầu đã đi thăm Trường Đại học VinUni, Công ty VinAI, Viện Trí tuệ Nhân tạo của Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, và Trung tâm Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội. Chuyến thăm giúp đoàn Nhật Bản hiểu thêm về nghiên cứu và đào tạo AI ở Việt Nam. Những trao đổi chia sẻ về nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ trong suốt thời gian diễn ra hội nghị góp phần tăng thêm hiểu biết giữa hai bên và.thắp lên những dự kiến hợp tác trong tương lai.