Tại Điều 9 Nghị định 178/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị quy định: Cán bộ, công chức có tuổi đời còn hơn 02 năm đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng 04 chế độ:

- Được hưởng trợ cấp thôi việc: Được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc; nếu nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc (tối đa 60 tháng).

- Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Tại Điều 10 Nghị định 178/2024 cũng quy định, đối với viên chức và người lao động khi nghỉ việc mà không được hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp do quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả do tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Chiều 6/1, tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết: trong số 100.000 người bị ảnh hưởng khi sắp xếp bộ máy, trong đó có cả công chức và viên chức. Thực tế, việc tham gia, thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ có viên chức nhưng đến nay vẫn chưa có số liệu cụ thể số viên chức bị ảnh hưởng để đánh giá tác động với Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định: "nếu có phát sinh chi cho viên chức hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Nghị định 178 thì nguồn quỹ để chi vẫn có. Bởi, hiện nay kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 63.000 tỷ đồng nên nguồn chi để giải quyết chắc chắn đủ, người được thụ hưởng hãy yên tâm"./.