Luật BHXH 2014 yêu cầu người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động (hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề) đều phải tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, Luật Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cũng quy định, người nước ngoài từ 18 đến 60 tuổi đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc phải tham gia chương trình hưu trí giống như người dân bản địa. Điều này tạo ra tình trạng "đóng trùng", khiến người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc phải đóng BHXH ở cả hai nước.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì đàm phán Hiệp định BHXH với Hàn Quốc từ năm 2015. Sau bốn vòng đàm phán, hai bên đã đạt được sự thống nhất về nội dung của Hiệp định. Ngày 24/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60 về việc Phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn dân quốc về BHXH, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024. Trước đó, vào ngày 14/12/2021 tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol đã ký Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc về Bảo hiểm xã hội là bản hiệp định song phương đầu tiên được triển khai thực hiện tại Việt Nam và cũng là Hiệp định đầu tiên về BHXH của Việt Nam với một quốc gia khác. Các quy định, nguyên tắc đã được Chính phủ hai nước ký kết trong Hiệp định liên quan tới chế độ hưu trí và tử tuất theo Luật BHXH của Việt Nam và Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc; cam kết đối xử bình đẳng giữa người lao động Việt Nam và người lao động Hàn Quốc khi làm việc trên lãnh thổ của nước kia như đối với công dân nước sở tại trong việc xác định các điều kiện đóng, hưởng, chi trả các quyền lợi BHXH.

Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hai nước khi di chuyển đến làm việc trên lãnh thổ của mỗi bên, bảo vệ quyền lợi về BHXH cho NLĐ của hai nước. Với quy định về tránh đóng song trùng BHXH, lao động đã được đóng BHXH tại đơn vị ở Việt Nam sẽ không cần phải đóng tại Hàn Quốc và ngược lại. Đồng thời, người lao động hai nước sẽ được tính cộng gộp thời gian tham gia BHXH ở cả Việt Nam và Hàn Quốc. Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, việc ký kết Hiệp định này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, giúp họ tránh phải đóng BHXH hai lần khi làm việc tại 2 quốc gia.

Để tạo điều kiện cho lao động ở nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam và ngược lại, ngày 29/3/2024 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 862 gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện Hiệp định về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Công văn này đã hướng dẫn một số nội dung về cấp, tiếp nhận, chứng nhận đối tượng BHXH; dừng thu BHXH bắt buộc đối với lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc để thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về BHXH. BHXH Việt Nam đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Quản lý Thu, Sổ - Thẻ; Trung tâm Công nghệ thông tin; Trung tâm Truyền thông; Văn phòng; Vụ Hợp tác quốc tế; Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng; Vụ Pháp chế và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ đã ký kết tại Hiệp định về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc về Bảo hiểm xã hội có 2 cấu phần quan trọng, cấu phần miễn trừ, tránh đóng song trùng được áp dụng từ 01/01/2024, tuy nhiên, phần tính cộng gộp thời gian tham gia BHXH khi tham gia ở 2 quốc gia sẽ được triển khai có hiệu lực khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực thi hành (kể từ 01/07/2025).

Không chỉ dừng lại ở Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với nhiều quốc gia khác có số lượng lao động Việt Nam lớn, nhằm mở rộng phạm vi hợp tác song phương về BHXH. Đặc biệt, Việt Nam đã có 5 cuộc trao đổi với Nhật Bản kể từ năm 2018 để tiến tới việc ký kết Hiệp định tương tự. Dự kiến, hai bên sẽ chính thức đàm phán vào quý I-2025./.