Ông Nguyễn Xuân Kiên ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã đến tuổi nghỉ hưu gần 1 năm nay, thế nhưng đến thời điểm này, ông “chưa biết đồng méo đồng tròn” lương hưu nào. Nguyên do là công ty Licogi lắp máy điện nước, nơi ông Kiên đang làm việc nợ BHXH. “gần 30 năm làm việc, cống hiến hết công sức mà nghỉ hưu đến giờ vẫn trắng tay. Biết đến bao giờ mới được hưởng lương hưu đây…” – Ông Kiên chua xót.

Chị Nguyễn Thị Thỏa ở quận 3 thành phố Hồ Chí Minh làm việc cho Công ty TNHH Vinh Thùy đã hơn 5 năm. Hơn 1 năm trước, chị nghỉ chế độ thai sản nhưng cho tới nay vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Nguyên do, Công ty TNHH Vinh Thùy đang nợ BHXH 27 tháng với số tiền lên tới chục tỷ đồng.

Đây chỉ là 2 trong số hàng ngàn công ty đang nợ BHXH, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ, nhất là khi họ trong thời kỳ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; một số NLĐ đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí.

Luật sư Trần Xuân Tiền – Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết: Trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm, được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, công ty có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đây là một trong những tội danh mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, được quy định tại Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.

Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), mức phạt tiền cao nhất đối với tội trốn đóng BHXH có thể lên đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Ngoài các chế tài nêu trên, doanh nghiệp còn bị truy nộp số tiền BHXH phải đóng và buộc nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.