Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, nhất là tại TP. HCM và các địa phương khu vực phía Nam. Một số tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch trở lại đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tại các địa phương khác nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để.

Tình hình dịch tại TP. HCM đã bước đầu có những dấu hiệu tích cực; số ca mắc có xu hướng “đi ngang” sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 16 và áp dụng phong tỏa trên toàn địa bàn.

"Dịch bệnh sẽ thực sự có xu hướng giảm trong một vài tuần tới nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt như hiện nay. Các địa phương lân cận có mô hình dịch bệnh tương tự TP.HCM ở giai đoạn đầu, đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nguy cơ bùng phát rất cao; nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ tình hình dịch sẽ thực sự diễn biến phức tạp, mặt khác tác động ngược trở lại TP.HCM gây ảnh hưởng đến thành quả chống dịch bước đầu đạt được", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cảnh báo.

Tại Hà Nội, các biện pháp giãn cách đã được thực hiện quyết liệt, Thủ đô cơ bản kiểm soát được tình hình, tuy nhiên nguy cơ vẫn ở mức cao do nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, xuất hiện rải rác tại nhiều địa điểm trên địa bàn.

Đến ngày 9/8, Bộ Y tế đã phân bổ 18 đợt vaccine phòng Covid-19 với tổng số 17.721.990 liều. Cả nước đã tiêm được 10.893.685 liều.

Các địa phương đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhiều nơi cũng đã chủ động, kịp thời thiết lập bệnh viện dã chiến đáp ứng phù hợp với năng lực thu dung, điều trị trên địa bàn; thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực, điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch; tổ chức mua, huy động, tiếp nhận viện trợ các trang thiết bị, thuốc, vật tư, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp oxy... cho công tác xét nghiệm, điều trị và liên tục chi viện, hỗ trợ các địa phương có dịch.

Bộ Y tế đã điều động một số lượng lớn nhân lực y tế hỗ trợ cho TP. HCM và các tỉnh miền Nam; thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực và hỗ trợ phần lớn các trang thiết bị y tế cho các địa phương.

Thời gian tới đây, ngành Y tế tập trung, ưu tiên hàng đầu việc kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine cho cộng đồng. Trong đó chú ý thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng chống dịch, đặt sinh mạng, sức khoẻ của người dân lên trên hết, trước hết; hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để tập trung phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó là tập trung ngăn chặn lây nhiễm, giảm tối đa các trường hợp tử vong. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”.