Nhiều người cho rằng, vitamin là dạng chất bổ, cứ bổ sung càng nhiều thì cơ thể càng khỏe mạnh. Quan niệm này là hoàn toàn sai. Chẳng hạn như vitamin A, có khả năng tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Thị Thu – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, nếu cơ thể thừa vitamin A chúng ta sẽ gặp phải những triệu chứng rất khó chịu như là: đau đầu buồn nôn, mệt mỏi, rối loạn nội tiết. Đặc biệt trong trường hợp mang thai, việc thừa vitamin A kéo dài có thể gây dị dạng cho thai nhi như là hở hàm ếch, dị dạng về tim mạch.
Vitamin D cũng được khuyến cáo là cần thiết cho cơ thể để tăng quá trình chuyển hóa, hấp thu canxi. Nhiều kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy vitamin D đạt ngưỡng từ 22 ng/ml máu trở lên tới ngưỡng 32 ng/ml trong máu sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư kết tràng và ung thư buồng trứng nhờ khả năng chống oxy hóa mạnh. Và khi lượng vitamin D vượt ngưỡng sẽ gây ra những rối loạn chức năng dạ dày, tổn thương thận, viêm tụy.
Ngoài ra, vitamin D còn làm giảm hấp thu một số các loại thuốc đặc trị giảm cholesterol hoặc thuốc chống động kinh.
Vitamin E và vitamin C cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lão hóa… Vậy nhưng, nếu lượng vitamin này dung nạp vào cơ thể quá lớn, đặc biệt là kéo dài thì sẽ gây ra hiện tượng ngộ độc như tiêu chảy, đau dạ dày, loãng máu.
Vậy làm thế nào để biết được lượng vitamin dung nạp vào cơ thể là đủ hay thừa? Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thu- Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, có một nguyên tắc khá đơn giản để nhớ, đó là: vitamin thông thường có thể bổ sung qua dinh dưỡng, thức ăn hàng ngày. Chỉ cần ăn uống đầy đủ, phong phú các loại trái cây, rau xanh là đã là đủ lượng vitamin cần thiết. Những trường hợp bệnh lý bị thiếu hụt vitamin mà không cải thiện được chế độ dinh dưỡng thì mới cần đến thực phẩm chức năng, viên uống vitamin tổng hợp để bổ sung. Và việc bổ sung theo liều lượng như thế nào cũng cần chỉ dẫn của bác sỹ để tránh quá liều.