Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có Công văn 4724 ngày 11/5 gửi các đơn vị sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc về tăng cường nguồn cung ứng vitamin A.

Cục Quản lý dược đề nghị các đơn vị tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu thuốc vitamin A nói chung và vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) để cung ứng cho chương trình y tế. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ sở báo cáo kịp thời về Cục Quản lý dược để xem xét, giải quyết.

Theo Cục Quản lý dược, trong nước hiện chỉ có 3 thuốc vitamin A (hàm lượng 5.000 IU) có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Trước đó, Bộ Y tế nhận được Công văn số 3133/SYT-NVD của Sở Y tế TP.HCM về việc thiếu nguồn cung ứng thuốc vitamin A đơn thành phần dược chất (gọi tắt là vitamin A) để sử dụng cho chương trình y tế.

Về nguyên nhân thiếu hụt, Cục Quản lý dược cho hay trước đây vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) dùng để bổ sung cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được các tổ chức nước ngoài viện trợ, nhập khẩu vào VN và phân bổ cho các tỉnh, thành trong nước theo nhu cầu, cấp miễn phí cho trẻ trong độ tuổi. Tuy nhiên, từ năm 2023, các tỉnh thành phải chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm vitamin A từ nguồn kinh phí của địa phương hoặc từ nguồn của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phân bổ cho địa phương.

Theo Viện Dinh dưỡng, vitamin A có vai trò quan trọng tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể, trong đó quá trình tăng trưởng trẻ em cần đủ vitamin A để phát triển bình thường.

Vitamin A tham gia vào chức năng thị giác của mắt, đó là khả năng nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu. Vì vậy, khi thiếu vitamin A khả năng nhìn của mắt lúc ánh sáng yếu sẽ bị giảm, hiện tượng này thường xuất hiện vào lúc trời nhá nhem tối nên được gọi là "quáng gà". Quáng gà là biểu hiện lâm sàng sớm của thiếu vitamin A.

Vitamin A cũng cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc, biểu mô dưới da, khí quản, các tuyến nước bọt, ruột non, tinh hoàn… Khi thiếu vitamin A, sản xuất các niêm dịch giảm, da bị khô và xuất hiện sừng hóa, biểu hiện này thường thấy ở mắt, lúc đầu là khô kết mạc rồi tổn thương giác mạc. Các tế bào biểu mô bị tổn thương cùng với sự giảm sút sức đề kháng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.