Bác sĩ Nguyễn Phương Thy, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết sau khi khỏi Covid-19, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ sinh kháng thể và các tế bào miễn dịch có khả năng chống lại virus. Nhưng sự đề kháng này khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, khả năng sinh kháng thể của mỗi cá nhân. Người trẻ, có sức khỏe tốt, không bệnh nền, ăn uống khoa học, ngủ nghỉ hợp lý sẽ sinh kháng thể tốt hơn những người mắc bệnh về hệ miễn dịch hoặc đang mắc các bệnh cấp tính.

Và điều quan trọng nhất, khả năng miễn dịch này không đảm bảo cho chúng ta không bị tái nhiễm, mà nó chỉ có tác dụng bảo vệ chúng ta khỏi những thể bệnh nặng, giảm biến chứng và nguy cơ tử vong.

“Giống như một bệnh nhân từng mắc cúm vẫn có thể tái nhiễm cúm, một bệnh nhân từng viêm da do liên cầu, tụ cầu thì vẫn có nguy cơ bị nhiễm tụ cầu, liên cầu lần nữa, những người từng chữa khỏi H.Pylori vẫn có thể nhiễm H.Pylori, một người từng khỏi bệnh lao vẫn có thể bị lao lần nữa. Và điều này đúng cho hầu hết các loại virus và vi khuẩn”, bác sĩ Thy chia sẻ.

Ngoài ra, với những biến thể mới của Covid-19 thay đổi liên tục, tình trạng tái nhiễm gần đây ngày càng phổ biến. Với mỗi lần nhiễm sau, mỗi một biến thể virus sẽ có một đặc tính kháng nguyên khác nhau và khác với những biến thể trước đã tạo kháng thể trong cơ thể (nếu có). Chính vì vậy kháng thể bảo vệ sẽ thấp hơn với những biến chủng mới sau này, làm người bệnh dễ tái nhiễm dù đã mắc Covid-19.

Theo bác sĩ Thy, thực tế rất nhiều người đã tiêm 3 mũi vaccine phòng Covid-19 nhưng vẫn bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 mà không đảm bảo 5K. Nhưng rõ ràng, bệnh nhân đã tiêm vaccine thường bị nhẹ, ít thở máy, ít tử vong hơn so với người chưa tiêm. Bằng chứng là đợt dịch này khi đa phần người dân đã được tiêm 2, 3 mũi vaccine phòng Covid-19, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 rất nhiều nhưng tử vong lại rất thấp so với những đợt dịch trước khi mà chưa có vaccine.