Mở đầu chương trình, hai VĐV chuyên nghiệp là Nguyễn Văn Hùng và Hồng Gia Lân đã chia sẻ về các chấn thương từng gặp trong thi đấu. Trong đó tuyển thủ Nguyễn Văn Hùng cho biết trong 25 năm thi đấu thể thao, chấn thương nặng nhất là ở quãng thời gian anh còn là võ sỹ taekwondo và bị đứt dây chằng chéo sau ở 1 giải đấu quốc tế tổ chức tại Pháp.

"Nặng nhất là mình đứt dây chằng chéo sau sau đó mình về Singapore và được mổ bởi bác sỹ Tan Tiang Lee, một bác sỹ rất nổi tiếng, từng mổ cho nhiều cầu thủ bóng đá. Lúc đó mình đã nghĩ từ giã luôn sự nghiệp nhưng không ngờ may mắn là sau chấn thương, bác sỹ bảo là mình mất 2 năm nhưng Hùng hồi phục chỉ trong có 9 tháng. Với sự kiên trì và những gì mà Hùng đã trải qua thì mình khẳng định sẽ chiến thắng và quay trở lại thi đấu…" - Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Có thể nói, chấn thương là điều luôn gặp phải đối với những người tập luyện và chơi thể thao, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Khách mời của chương trình – Candice Hiền Nguyễn - Founder 365 Begin đã chia sẻ: Với kinh nghiệm tập fitness và chạy bộ thì mình nghĩ có hai yếu tố quan trọng để phòng tránh chấn thương. Cái thứ nhất là chúng ta tập luyện cho đúng kỹ thuật, bên cạnh đó chúng ta có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý. Theo mình, khi bắt đầu có thể tập từ 2 km, sau đó lên 3 km rồi 5 km, 10 km… nhưng tập từng bước lên như vậy bởi với những người chưa tập, thì chỉ 1 km đầu hoặc 2 phút đầu là có thể hụt hơi nên phải tập từng bước thì mới quen được nhịp thở…

Với người chơi thể thao nghiệp dư hoặc mới bắt đầu, nguy cơ chấn thương thậm chí cao hơn so với VĐV chuyên nghiệp do sự nôn nóng, tập luyện quá sức và bỏ qua giai đoạn rất quan trọng là quá trình khởi động. Bác sĩ Phạm Quang Huy từ Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao Quốc tế IRC và chị Hiền Nguyễn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập luyện đúng cách nhằm hạn chế những chấn thương không đáng có: "Thứ nhất là chúng ta phải có quá trình tập luyện tăng tiến dần hầu hết mọi người khi bắt đầu chạy bộ chẳng hạn, họ không có hệ thống tập luyện tăng tiến theo theo mức độ phù hợp với cơ thể. Có người bắt đầu chạy đã chọn ngay cự ly 10km chẳng hạn và cơ thể họ không đáp ứng được với cường độ vận động đó. Một nguyên nhân nữa là họ chưa có khởi động phù hợp và đầy đủ. Mình cảm thấy phần lớn người chơi thể thao ở Việt Nam đang bỏ qua phần rất quan trọng trong chơi thể thao đó là khởi động. Phần khởi động mà mình áp dụng tại trung tâm cho các VĐV chuyên nghiệp là ít nhất cũng từ 15-20 phút….".

"Thường chơi thể thao thì rất mê vì cái tâm lý của mình có bao nhiêu khi tập luyện thì tới ngày đó mình phải “tỏa sáng”. Thế khi chạy trail chẳng hạn, mình còn phải qua suối thì rất dễ chuột rút nếu không để tâm hoặc chỉ cần chạy quá tốc độ thôi thì mình rất dễ để ảnh hưởng tới phần thi của mình".

Trao đổi với những khách mời của chương trình, bác sĩ Phạm Quang Huy từ Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao Quốc tế chia sẻ thông tin về 2 dạng chấn thương cấp tính và mãn tính. Ở sân chơi bóng rổ, cường độ di chuyển của người chơi thường cao và liên tục, các hành động như nhảy tiếp đất, giơ tay quá đầu để chặn bóng dễ phổ biến hai dạng chấn thương này. Ngoài ra, các chấn thương về cổ chân, đứt gân Achilles, vùng đầu gối, khớp vai...cũng được xem là thường gặp. Để phòng tránh chấn thương, người chơi có thể áp dụng 3 phương pháp:

Theo bác sỹ Huy, chúng ta có 3 khái niệm cũng như phương pháp để phòng tránh chấn thương. Khái niệm đầu tiên là các chương trình tập luyện tăng độ linh hoạt của cơ và khớp. Khi mà cơ của chúng ta có độ đàn hồi tốt hơn, khớp của chúng ta có một biên độ vận động rộng hơn thì khi chơi thể thao, vào một tình huống bạn cần phải với chẳng hạn thì tất nhiên nguy cơ chấn thương của chúng ta sẽ giảm. Khái niệm thứ 2 là “cảm giác bản thể” và khái niệm thứ ba là tư thế và kỹ thuật. Kỹ thuật cụ thể ở đây như là kỹ thuật bật nhảy, tiếp đất hay kỹ thuật đổi hướng…

Khi chẳng may gặp chấn thương, người chơi có thể xử lý theo phát đồ PRICE của bác sĩ. Với 5 chữ cái là viết tắt của các phương pháp xử lý: P là Protect, nghĩa bảo vệ vùng bị tổn thương bằng nẹp, băng ép... đảm bảo không tiếp tục tác động lực lên vùng bị tổn thương. R là Rest: Nghỉ ngơi 1-2 ngày. I là Ice: chườm đá để giảm sưng và kiểm soát cơn đau. C là Compress: Dùng băng ép để các vùng tổn thương không sưng thêm. Và E tức Elevate: Kê chân khi ngủ giúp đưa dịch và máu về lại các vùng trên của cơ thể.

Ngoài thông tin về lộ trình tập luyện giúp hồi phục sức bền và sức mạnh lại cho vùng cơ tổn thương, chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng cho việc phục hồi. Chế độ ăn trước, trong và sau khi vận động rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình khởi động, duy trì và phục hồi năng lượng. Trước 2-3 tiếng vận động cần tránh dùng các chất xơ không hòa tan như rau xanh để hạn chế bị khó chịu do đầy bụng. Nên nạp năng lượng từ các loại hạt, ngũ cốc, trái cây... các năng lượng có dưỡng chất để chống chuột rút và hỗ trợ hoạt động thể thao. Trong khi luyện tập, thi đấu, ở thời gian nghỉ giải lao cần nạp từ 120 đến 240 calories nhằm bổ sung điện giải cho lượng mồ hôi tiết ra và nên nhấp một ngụm nước mỗi 15 phút.

Sau khi tập luyện là thời điểm các cơ đã bị tác động rất nhiều. 30 phút kể từ lúc này, dinh dưỡng bổ sung vào sẽ giúp xây dựng và phục hồi cơ. Do đó, chúng ta nên ăn một bữa chính đầy đủ, có cả rau xanh. Khi không sẵn bên mình bữa chính, chúng ta có thể dùng trái cây hoặc thanh protein để thay thế./.