Theo dự kiến, hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ được cơ cấu lại theo mô hình ba cấp, gồm: Trung ương; tỉnh, thành phố và xã, phường. Theo đó, cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành (thay vì 63 đơn vị hành chính như hiện nay). Việc này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với bản sắc văn hóa và ngành du lịch. Bởi Du lịch không chỉ đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là cầu nối để lan tỏa, quảng bá hình ảnh quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, việc sáp nhập tỉnh thành sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn cho ngành du lịch. Đặc biệt mang đến nhiều cơ hội rộng mở khi có tiềm năng phát triển các tour du lịch liên vùng và đổi mới sản phẩm mà trước đây các tính liên kết du lịch liên vùng chưa được chú trọng.

“Trước đây khách hay có xu hướng đi du lịch chỉ nội một tỉnh: Ví dụ: đi tour Côn Sơn - Kiếp Bạc (ở Hải Dương) hoặc đi biển Cát Bà riêng rẽ các chuyến khác nhau. Thế nhưng sau khi Hải Dương và Hải Phòng sát nhập có thể sẽ phát triển các tuyến tour tour Côn Sơn - Kiếp Bạc và đi đảo Cát Bà kết hợp với số ngày tour tăng lên. Số ngày tour tăng lên và nhiều điểm đến trong một chuyến tour hơn thì đồng nghĩa trải nghiệm của du khách sẽ nhiều hơn và doanh thu cho du lịch cũng sẽ tăng lên tương ứng” - Ông Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh.
Theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh thành rà soát, giữ nguyên tên gọi các khu du lịch quốc gia và di tích quốc gia, di sản thế giới sau sắp xếp đơn vị hành chính. Ngoài giữ nguyên tên gọi các khu du lịch quốc gia đã được công nhận, Bộ yêu cầu cập nhật địa danh gắn với khu du lịch theo đơn vị hành chính mới điều chỉnh, tên gọi, địa danh, địa chỉ mới của các tổ chức, ban quản lý khu du lịch liên quan trực tiếp. Đây là một thuận lợi với ngành du lịch khi các thương hiệu du lịch nổi tiếng lâu đời vẫn được giữ nguyên, không gây xáo trộn cho ngành du lịch và du khách.
Với thương hiệu du lịch thì tên gọi chỉ là tài sản tạm thời, còn tài sản cốt lõi là những đặc điểm tự nhiên, văn hóa, con người, trải nghiệm... Chính vì thế việc sáp nhập tỉnh thành theo chủ trương tinh gọn bộ máy phần nào ảnh hưởng tới các sản phẩm du lịch theo bản sắc địa phương. Tuy nhiên, việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện để nhiều địa phương tái cấu trúc chiến lược phát triển du lịch, mở ra các tour liên kết vùng mà mỗi địa phương là một mắt xích trong đó. Đây cũng chính là cơ hội để các tỉnh thành sau sáp nhập khai thác lợi thế này nhằm gia tăng sức hút cho thương hiệu du lịch mới. Ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, việc đầu tiên các tỉnh cần làm sau khi sáp nhập là đánh giá tài nguyên du lịch của tỉnh mới. Sau đó, phải chú trọng tới công tác quảng bá và truyền thông. Cơ quan quản lý du lịch ở tỉnh mới sẽ phải nhanh chóng ban hành bản đồ du lịch, bộ tài liệu giới thiệu du lịch để các công ty du lịch và khách du lịch nắm bắt được du lịch của tỉnh mới.

Sáp nhập đồng nghĩa với việc có thể tích hợp quỹ đất, tài nguyên và nhân lực. Đây chính là những yếu tố quan trọng để hình thành các khu du lịch quy mô lớn, phát triển các tuyến tour liên tỉnh, giúp du lịch không còn bị bó hẹp trong từng địa phương riêng lẻ, việc liên kết vùng miền sẽ được đẩy mạnh và thuận lợi hơn. Đây chính là hướng đi để du lịch phát triển theo hướng xanh và bền vững. Đặc biệt việc sáp nhập một số tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai... với các tỉnh ven biển sẽ mở ra những cơ hội để phát triển du lịch biển, đưa du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Các tỉnh sát nhập theo cặp: Một tỉnh miền núi sát nhập với một tỉnh miền biển sẽ tạo hành lang kinh tế đông tây, thuận lợi trong việc kết nối giao thông giữa vùng núi và miền biển. Từ đó sẽ giúp cho du lịch biển phát triển. Ví dụ: Quy Nhơn và Gia Lai sáp nhập thì biển Quy Nhơn có thể có khách nội tỉnh từ Gia lai tới nhiều hơn. Hoặc du khách đi biển Quy Nhơn có thể đi du lịch Pleiku với biển hồ, vườn cà phê bạt ngàn và bản làng dân tộc người Ba Na, Ê Đê… giàu bản sắc dân tộc Tây Nguyên” - Ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.

Việc sáp nhập địa giới hành chính là một xu thế tất yếu, mang đến nhiều cơ hội rộng mở, phát triển các tour du lịch liên vùng và đổi mới sản phẩm. Chính vì thế, cần tận dụng tối đa cơ hội này để xây dựng các chiến lược quảng bá, định vị thương hiệu cho phù hợp với từng địa phương. Đây sẽ là cơ hội để phát triển nền du lịch đồng bộ với những trải nghiệm độc đáo và mới lạ, tạo bước ngoặt quan trọng giúp du lịch Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.