Sáng 26/2 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Danh nhân thuộc Trung ương Hội Khoa học và Phát triển nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu danh nhân – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Cuộc hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, TS Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ông Hà Ngọc Anh, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, ông Vũ Ngọc Phương, Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam cùng nhiều đại biểu đại diện các Viện nghiên cứu và nhiều nhà khoa học đầu ngành.

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận vấn đề nhận thức về danh nhân. Theo đó, nhận thức chung về danh nhân được đưa ra là: Danh nhân, theo nghĩa chung nhất, là thuật ngữ chỉ những người nổi tiếng, có tài năng đặc biệt xuất sắc và có đạo đức, phẩm hạnh cao quý. Những cống hiến của họ đã góp phần làm rạng rỡ dân tộc, tạo nên những tiến bộ, phát triển của quốc gia. Họ có tầm ảnh hưởng rộng lớn và lâu bền, vượt qua thử thách của thời gian.

Xét về mức độ, phạm vi ảnh hưởng, có thể chia thành danh nhân của dân tộc và danh nhân mang tầm vóc thế giới. Trong hàng ngũ danh nhân thế giới, Việt Nam đã có những đóng góp đáng tự hào với tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu...

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Danh nhân khẳng định: “Lịch sử mỗi quốc gia cũng như của thế giới nhân loại, qua tất cả những biến cố thăng trầm, qua những thế kỷ anh hùng và bi tráng, qua những thời đại đánh dấu bước ngoặt huy hoàng của các nền văn minh cũng như lịch sử lao động chiến đấu của các thế hệ con người đều bắt đầu từ những sáng tạo, phát minh, những tài năng, trí tuệ xuất chúng của các bậc thiên tài, những tư tưởng mang ý nghĩa thức tỉnh con người về tự do và khát vọng giải phóng của các bậc vĩ nhân. Hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân, hiểu rõ những cống hiến cũng như các bài học từ tấm gương của họ là điều cần thiết để xây dựng một phông văn hóa, tiềm lực tư tưởng, văn hóa của mỗi cá nhân đến cộng đồng xã hội”.

Đất nước Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, mỗi thời kỳ đều sản sinh những trí tuệ lớn, những đấng anh hùng, những tấm lòng cao cả hy sinh hết mình vì dân, vì nước, vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Tôn vinh những danh nhân của đất nước là một truyền thống cao đẹp của nhân dân ta. Nếu như cộng đồng dân tộc tưởng nhớ họ bằng những nghi thức tín ngưỡng, thì nhiệm vụ của các nhà khoa học là nghiên cứu, làm sáng rõ cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp và ảnh hưởng của họ tới thế hệ sau này.

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, những phẩm cách tốt đẹp của các danh nhân, đặc biệt là nghị lực vượt khó để thành công trong sự nghiệp của các danh nhân cần được chú trọng trong giáo dục ở hệ thống nhà trường. Cần xây dựng môi trường học đường để khơi dậy nhu cầu tìm hiểu, học tập noi gương danh nhân để thế hệ trẻ biết, nắm bắt những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và hình thành lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị tinh thần, các di sản văn hóa, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến trong sự nghiệp đổi mới đương đại.

Tuy còn những tranh luận nhiều chiều trong nhận thức về danh nhân cũng như phương pháp tiếp cận nghiên cứu về danh nhân, song cuộc hội thảo “Nghiên cứu danh nhân – Một số vẫn đề lý luận và thực tiễn” là dịp để một số nhà nghiên cứu giới thiệu những nghiên cứu mới của mình về những vị danh nhân kiệt xuất trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Đây cũng là một hoạt động để gợi mở, thúc đẩy công tác nghiên cứu về danh nhân, góp phần phát huy những giá trị nhân văn trong phát triển đất nước và hội nhập quốc tế ngày nay.