Sau gần 30 năm kể từ khi công tác đấu thầu được triển khai (từ 1994 tới nay), với việc Luật Đấu thầu ban hành vào năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2013, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu ở nước ta đang ngày càng hoàn thiện, chuẩn hóa và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, giúp duy trì hoạt động đấu thầu hiệu quả, tăng cường hơn nữa tính minh bạch, cạnh tranh. Điều này được thể hiện qua chính sách đấu thầu được hoàn thiện từ hệ thống luật đến các nghị định hướng dẫn về lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà đầu tư; cùng các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nghị định liên quan như: Nghị định số 35/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Nghị định số 31/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2020.
Thế nhưng hoạt động đấu thầu vẫn phát sinh những tiêu cực chưa xử lý được, đặc biệt mấy năm gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng cơ bản, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân là do đâu?
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bên cạnh một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành hay việc lựa chọn nhà thầu vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế thì công tác tổ chức đấu thầu ở nước ta đang là một trong những khâu phát sinh nhiều tiêu cực.
Trong thực tế, hoạt động đấu thầu có lúc có nơi chỉ mang tính hình thức, ẩn chứa nhiều vấn đề thiếu minh bạch, thiếu công bằng. Các vi phạm về đấu thầu thời gian qua diễn ra trong rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau: xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục... Đặc biệt gần đây là vụ vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán In Vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm Covid-19) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Từ năm 2013 đến nay, cơ quan quản lý đã điều tra khởi tố 11.700 vụ án tham nhũng chức vụ kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo, phần lớn liên quan đến các sai phạm về đấu thầu, mua sắm xây dựng, đầu tư công. Điểm chung của các vụ sai phạm này là cơ quan quản lý thông đồng với đơn vị thẩm định giá, nâng khống giá đấu thầu để tư lợi.
Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu - chủ đầu tư không chỉ có những ưu ái, ưu tiên với các đối tượng thân hữu, người nhà, nhà thầu thân quen của mình mà như theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hành vi "thông thầu" còn diễn biến phức tạp, tinh vi ở không ít dự án, gói thầu. Trong khi đó, Luật Đấu thầu hiện chưa có quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát. Luật hiện hành cũng chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư mà chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền (là các bên quan trọng trong việc quyết định đến tính hiệu quả, minh bạch trong đấu thầu).
Từ thực trạng này có thể thấy rằng cần phải tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về đấu thầu theo hướng thực sự quan tâm, coi trọng đến công tác giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Song song với đó phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, công cụ hữu hiệu nhất để tăng cường minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu. Mặt khác, công tác giám sát, kiểm tra đấu thầu, quản lý sau đấu thầu phải được tăng cường. Nếu những công việc này được thực hiện một cách triệt để sẽ bớt đi tình trạng nhũng nhiễu, thiếu minh bạch và chất lượng đấu thầu sẽ khác.
Thêm nữa, chỉ khi nào không còn tình trạng chủ đầu tư thích cho trúng thì trúng, thì khi đó sân chơi đấu thầu mới không phải là mảnh đất làm nảy sinh thêm tham nhũng. Bởi vai trò của hoạt động đấu thầu chính là cùng với pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, pháp luật về phòng chống tham nhũng tạo thành công cụ hữu hiệu để chống lại các hành vi gian lận, tham nhũng và lãng phí trong việc chi tiêu các nguồn tiền của Nhà nước, góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội nhờ thực hiện các hoạt động mua sắm công theo đúng luật pháp của Nhà nước.