(Ảnh minh họa)
Mới đây, cơ quan chức năng đã khởi tố bị can với một nữ tài xế ở Hà Tĩnh bởi hành vi sau va chạm giao thông đã điều khiển ô tô bỏ đi, mặc người bị nạn nằm giữa đường. Sau đó người gặp nạn bị xe khác cán tử vong. Cơ quan chức năng cho rằng hành vi của nữ tài xế này đã đủ yếu tố cấu thành tội danh "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".
Đây không phải là lần đầu tiên, việc bỏ mặc người khác gặp nạn bị pháp luật xử lý. Là sự vô cảm hay do sợ trách nhiệm, ngại bị liên lụy, bị vạ lây mà người ta có thể lờ đi sự cầu cứu giúp đỡ, bỏ qua sinh mạng của con người?
Trước đây, cũng đã từng có không ít người vì lòng tốt, vì trách nhiệm công dân của mình mà không ngần ngại cứu chữa người bị nạn, đưa đi cấp cứu nhưng sau đó lại vướng vào rắc rối khi bị nghi oan là người gây tai nạn, bị đánh, bị đơn thư kiện cáo.
Hẳn nhiều người trong chúng ta không quên trường hợp hai vợ chồng chị V.A tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sau khi cứu giúp người gặp tai nạn trên đường bị gia đình nạn nhân tố cáo là người gây ra tai nạn. Phải sau khi cơ quan chức năng vào cuộc thì vợ chồng chị V.A mới được minh oan.
Thế nhưng, lo sợ bị gặp rắc rối, ngại bị vạ lây liệu có phải là lý do chính đáng để chúng ta có thể bỏ mặc người khác gặp nạn mà không cứu?
Không phải cứ có hành vi gây thiệt hại cho người khác hoặc gây nguy hiểm cho xã hội mới là hành vi phạm tội. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định rất cụ thể về trường hợp gặp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, người có điều kiện mà không cứu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt nặng nhất có thể lên tới 07 năm tù.
Dù mỗi người có một lý do riêng, có thể là rất hợp lý cho những thời điểm "không thể giúp người" nhưng cứu giúp người gặp nạn không chỉ là tình người mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân.
Một công dân có trách nhiệm, có hiểu biết pháp luật thì không chỉ sẵn sàng cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm mà cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tự bảo vệ mình không vướng vào rắc rối như gọi điện cho Cấp cứu 115 để được hỗ trợ về y tế, gọi cho Cảnh sát 113 để báo về sự việc. Hay cũng có thể chụp ảnh hoặc quay phim hiện trường tai nạn để làm bằng chứng tự bảo vệ mình khi có hiểu nhầm.
Một xã hội văn minh, hiện đại luôn cần những tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác.