Trong 4 giai đoạn dịch mà chúng ta đã và đang trải qua, xét nghiệm được xác định là vấn đề then chốt để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Song, ở đợt dịch thứ 4 này, biến thể Delta với tỷ lệ lây nhiễm cao và chu kỳ lây nhiễm ngắn đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều giữa các chuyên gia, xung quanh việc có nên tổ chức xét trên diện rộng hay chỉ lựa chọn mẫu xét nghiệm tại vùng nguy cơ, nhóm dân số nguy cơ cao để tránh lãng phí.

Nhìn vào thực tế chống dịch tại 2 thành phố lớn nhất của cả nước thì rõ ràng sự chần chừ của TP HCM trong việc xét nghiệm và tầm soát rộng ngay ở thời điểm đầu khi dịch mới quay trở lại đã khiến ngành y tế thành phố không có cơ sở đánh giá đúng quy mô dịch, không phát hiện sớm nguồn lây để có thể khống chế sớm dịch bệnh, vì vậy dẫn đến có quãng thời gian khủng hoảng, không kiểm soát được tình hình những ngày qua.

Còn tại Hà Nội, sau chiến lược xét nghiệm tầm soát “thần tốc” cho toàn bộ người dân trên địa bàn, đến hôm nay, thành phố đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Sẽ vẫn có ý kiến cho rằng, Hà Nội đã quá lãng phí khi bỏ ra 500-600 tỷ đồng để xét nghiệm trên 4,2 triệu mẫu mà chỉ tìm được 21 ca F0. Nhưng nếu xét kỹ, chúng ta sẽ thấy vấn đề ở góc độ khác bởi với biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, mỗi F0 không đơn thuần là một ca bệnh mà là các nguồn lây. Như thực tế tại TP. HCM, chỉ từ một nguồn lây ban đầu, sau một tháng, đã có hàng chục nghìn ca F0 và vô số những mầm bệnh ẩn nấp trong cộng đồng. Do đó, việc xét nghiệm rộng để phong tỏa hẹp sẽ tốt hơn để ổ dịch bùng phát và phải phong tỏa rộng.

Nói như vậy để thấy rằng, xét nghiệm rất quan trọng. Vấn đề là ở chỗ nên tổ chức như thế nào để vừa hiệu quả vừa đỡ tốn kém cho người dân, cho doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước - nhất là khi hiện nay chúng ta phải chấp nhận “sống chung” với Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới” và xét nghiệm vẫn là cách duy nhất để phát hiện một người có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.

Nhưng, từ thông tin được ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nêu tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp để chuẩn bị cho hành trình “sống chung” với Covid-19 đã hé lộ nhiều nghi vấn về sự không minh bạch trong mua và tính giá chi phí xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Một bộ test xét nghiệm nhanh ở nước ngoài theo khảo sát của ông Đặng Hồng Anh chỉ có giá 1,5 USD, tương đương 35.000 đồng, tính cả công vận chuyển về Việt Nam giá cũng chỉ đội lên 50.000 đồng, trong khi đó mức tính cho một lần xét nghiệm ở nước ta hiện đang dao động trong khoảng từ 200.000-400.000 đồng.

Nếu mức giá đúng như ông Đặng Hồng Anh nêu thì chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4 này, khi số lượng test nhanh được sử dụng đã lên đến hàng chục triệu test (một tỷ lệ lớn trong số này là sử dụng ngân sách để mua) thì độ chênh lệch sẽ là hàng ngàn tỷ đồng. Số tiền này thất thoát đi đâu trong lúc cả nước lao đao vì dịch bệnh?

Và ngay sau khi thông tin về giá test xét nghiệm nhanh được công bố, Bộ Y tế đã gửi đi 2 thông cáo báo chí. Một trong số đó đã khẳng định, giá test xét nghiệm khác nhau là do khác nhau về chủng loại, tiêu chuẩn và nguồn gốc. Trên thị trường hiện có 1 loại test nhanh kháng nguyên sản xuất trong nước và 20 sản phẩm test nhanh kháng nguyên nhập khẩu từ nước ngoài với mức giá dao động từ gần 80.000 - 200.000 đồng/test. Với test PCR, thị trường có 5 sản phẩm trong nước với giá khoảng 180.000 - 470.000 đồng và 25 sản phẩm nhập khẩu giá 250.000 - 600.000 đồng/test.

Theo Bộ Y tế, việc chọn mua loại nào là do đơn vị, địa phương tự đấu thầu, tự chịu trách nhiệm không phải do Bộ Y tế mua hay chỉ định mua. Bộ Y tế cũng không kiểm soát giá, do chưa có quy định về vấn đề này.

Vậy là giá xét nghiệm đã “nhảy múa” trong gần 2 năm qua – kể từ khi Covid-19 xuất hiện ở nước ta. Mỗi cơ sở khám chữa bệnh đang thu một giá khác nhau, gấp đôi, thậm chí gấp 3 mức chi phí bỏ ra mua test kit mà bản thân người đến xét nghiệm cũng không biết mình được thực hiện bởi loại test kít nào.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã thừa nhận có tình trạng một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm Covid-19 khi thu phí xét nghiệm quá cao và đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh. Hiện, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định về Quản lý trang thiết bị y tế, bao gồm cả test xét nghiệm, trong đó, yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá để công khai, minh bạch trong mua sắm đầu thầu.

Để chuyển từ trạng thái “Không Covid-19” sang “Thích ứng an toàn”, có rất nhiều việc phải làm, phải thay đổi, nhưng có lẽ việc cần làm ngay lúc này là phải chấn chỉnh sự lỏng lẻo trong quản lý giá test Covid, không để xảy ra tình trạng loạn giá như trong thời gian qua.