Theo Báo cáo nghiên cứu điển hình trong ngành công nghiệp may mặc, điện tử, giày dép do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN cùng tổ chức di cư quốc tế thực hiện trong năm 2022 trên 1.200 người và hơn 40 doanh nghiệp thuộc ngành may mặc, giày dép và điện tử, hầu hết lao động có gia đình để con cái cho ông bà chăm sóc, đi làm ăn xa với hy vọng thu nhập cao.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, người lao động tại các thành phố lớn phải dịch chuyển về quê để phòng, chống dịch và để ứng phó với phần khó khăn hậu đại dịch. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng nhưng xu hướng lao động rời các đô thị lớn về các tỉnh lẻ vẫn gia tăng. Mới đây, trong 1.000 người được khảo sát tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, có hơn 15% cho biết có ý định về quê làm việc lâu dài, hơn 44% đắn đo.

Lý giải tình trạng trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tạo, Khoa Quản trị nhân lực - Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, sau đại dịch đời sống của một phận người lao động bị đảo lộn dẫn tới nhu cầu bố trí lại cuộc sống phù hợp hơn; một số trung tâm công nghiệp mới mọc lên, đô thị hóa ở địa phương diễn ra mạnh mẽ hơn cũng đã thu hút lao động “ly hương” nay trở về quê. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất khiến một bộ phận công nhân, lao động giản đơn bị mất việc, không có cách nào khác, họ phải quay về quê để tìm việc làm mới, giảm áp lực cuộc sống.

Mỗi người có một lựa chọn, mục đích khác nhau khi rời thành phố về quê. Tuy nhiên, ý tưởng mong muốn có thể khác xa thực tế, không phải bất cứ ai khi tìm kiếm một cơ hội mới cũng có thể đạt được mục đích ban đầu và sự thành công. Người trẻ bỏ về quê cũng phải đối mặt với không ít thách thức, rủi ro, có cả thành công và cũng có không ít chông gai. “Bỏ thành phố về quê không phải là vấn đề quá khó khăn nhưng khi thoát khỏi những áp lực ở thành phố, làm sao để có cuộc sống trong mơ và nhàn hạ ở quê lại là chuyện khác” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Tạo chia sẻ.

Với đô thị, lao động phổ thông có ý nghĩa quan trọng cho các KCN. Họ là những "mao mạch" duy trì nền kinh tế phi chính thức. Tính riêng TP HCM, khu vực này đã chiếm hơn 30% lực lượng lao động, do đó tình trạng lao động về quê sinh sống cũng sẽ làm khan hiếm nguồn cung lao động ở thành thị, đặc biệt là những lao động phổ thông. Để giữ được người lao động ở lại thành phố làm việc, nhà tuyển dụng chỉ dựa vào mức lương là chưa đủ để “giữ chân” người lao động mà cần phải chăm lo cả cuộc sống của họ như: xây dựng nhà trẻ cho con của người lao động trong các khu công nghiệp, nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần và đặc biệt cần quan tâm đến nơi “an cư” của người lao động…. “Khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, người lao động sẽ chọn an cư nơi thành thị vì không nhiều người muốn cuộc sống bị xáo trộn, phải quay về quê rồi lại khởi nghiệp từ con số 0” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Tạo nhìn nhận.

Mời các bạn nghe trao đổi của phóng viên chương trình với Tiến sĩ Nguyễn Văn Tạo, Khoa Quản trị nhân lực - Học viện Hành chính Quốc gia tại đây: