Chưa kịp “hồi phục” sau những đợt dịch trước, khi đợt dịch lần này bùng phát, chị Phạm Thị Hậu quê ở tỉnh Hải Dương và nhiều người lao động khác tại xóm trọ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vẫn quyết tâm bám trụ đất Hà Thành với hy vọng kiếm được đồng nào hay đồng đấy. Thế nhưng gần đây, tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, công việc bốc vác, buôn bán hoa quả ở chợ ngày càng ít dần. Thậm chí hơn tuần nay, chị phải nghỉ hẳn công việc, chỉ ở nhà. Điều đó cũng đồng nghĩa chị không có một đồng thu nhập nào trong suốt những ngày qua.

Từng ngày trôi qua, chị Hậu như ngồi trên đống lửa, khi tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền thuê trọ mỗi tháng 2 triệu đồng không biết sẽ phải giật gấu vá vai như thế nào….Và không chỉ có chị, cả cái xóm trọ nghèo ấy, ai cũng chung tâm trạng lo lắng.

“Khó khăn chồng chất khó khăn, vừa rồi nghe tin có gói hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, tôi cũng đang mong sớm được nhận số tiền này. Nhưng cho đến giờ cũng chưa thấy ai thông báo hay đi rà soát danh sách gì cả. Mong là hỗ trợ khẩn cấp thì triển khai nhanh, đơn giản thủ tục để chúng tôi sớm giảm bớt gánh nặng mưu sinh trong những ngày mất việc vì dịch bệnh”, chị Hậu trải lòng.

Dịch bệnh hoành hành, không chỉ riêng chị Hậu mà hầu hết người lao động tự do đều đang rất ngóng chờ gói hỗ trợ này.

Mới đây, thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 3642 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo Quyết định 3642, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 điều, 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố; bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.

Đối với các trường hợp lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định số 3642 có hiệu lực thi hành, thì các bên liên quan áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch Covid-19.

Nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm là đối tượng khó xác định nhất. Tuy nhiên các sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận huyện, thị xã của thủ đô đều đang tập trung, nỗ lực ở mức cao nhất để rà soát, lập danh sách và nhanh chóng chi trả tiền hỗ trợ đến tay người hưởng lợi.

Ngoài nhóm lao động tự do, người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ khác, như: Giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thời gian áp dụng 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022); tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và Tử tuất (thời gian từ ngày 7/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).

Ngoài ra, Hà Nội hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 30/6/2022). Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động thực hiện việc chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo theo phương án đã được phê duyệt.

Để nhận hỗ trợ, người lao động cần lập hồ sơ gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Hạn chót để gửi hồ sơ xét duyệt là ngày 31/1/2022.

Trong cuộc trao đổi sáng nay (23/7) với PV VOV2, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội chia sẻ: Ngay sau khi thành phố có Quyết định 3642, Sở đã có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành liên quan về việc tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời công khai, minh bạch các nội dung theo quyết định 3642.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã họp tất cả các phòng chuyên môn nghiệp vụ, Trung tâm Dịch vụ kế toán là những đơn vị có liên quan đến thực hiện theo gói hỗ trợ này để phân công nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt là đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, công khai số điện thoại đường dây nóng để tháo gỡ kịp thời cho các đối tượng trên địa bàn cũng như tổ chức triển khai đảm bảo công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách.

Ông Nguyễn Quốc Khánh cũng nhấn mạnh trong quá trình triển khai thực hiện, nếu ở cơ sở có khó khăn thì báo cáo ngay lên cấp trên để kịp thời giải quyết với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi, thủ tục đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất để tiền hỗ trợ đến tay người lao động nhanh nhất.

Trong Quyết định 3642 cũng nêu rõ, Ủy ban Nhân dân thành phố giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, người lao động và các đối tượng có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công; kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm, gây khó khăn, phiền hà, chậm trễ trong triển khai thực hiện.../.