Ăn mì tôm trừ bữa

Đầu tháng 5, Lưu Thanh Sang quê ở Lâm Đồng đã hoàn thành chương trình học tại Trường ĐH Luật Hà Nội. Vì nhà xa, Sang dự tính lấy bằng tốt nghiệp rồi mới về quê. Thế nhưng, dịch đến quá nhanh, thành phố đột ngột phong tỏa, bằng chưa lấy được và cũng không thể về quê. Tính từ tháng 5 đến nay Sang đã “mắc kẹt” ở đây 3 tháng liền.

"Khi dịch bắt đầu đầu có dấu hiệu bùng phát trở lại, bố mẹ cũng “hối” em về quê nhưng vì em đang học việc ở một công ty Luật ở Hà Nội nên cố gắng đợi đến khi có bằng mới về, ai ngờ", Sang tặc lưỡi.

Mọi chi phí sinh hoạt của Sang lúc này đều trông cậy và sự trợ giúp của gia đình. Gia đình em kinh doanh tự do, bố làm lái xe liên tỉnh nhưng đợt này dịch dã, bố không thể chạy xe được nữa nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn, do đó em cố gắng không xin nhiều tiền vì sợ bố mẹ áp lực.

"Mỗi tháng, em đóng từ 1-1.3 triệu đồng tiền phòng trọ. Bố mẹ gửi 2 triệu để đóng tiền phòng trước, còn lại mua đồ ăn, tiết kiệm được thì dành đến tháng sau, nếu hết mới gọi về xin bố mẹ gửi thêm. Nếu cố được đến đầu tháng sau thì sẽ cố", Sang chia sẻ.

Nhưng Lưu Thanh Sang vẫn còn may mắn hơn cô bạn cùng phòng Sùng Thị Chấu, sinh viên năm cuối trường ĐH Luật. Chấu là con gái trong gia đình người Mông có 10 anh chị em ở Cán Hồ, Thái An, Quản Bạ, Hà Giang. Em trai út của Chấu năm nay mới tròn 7 tuổi.

2 năm đầu ở Hà Nội, Chấu được đoàn thiện nguyện cưu mang không phải lo lắng nhiều về chi phí sinh hoạt nhưng sang năm thứ 3 ĐH Chấu quyết định ra ngoài ở. Mọi chi phí sinh hoạt đều do em tự làm thêm trang trải. Em sắp thi đầu ra, ở lại Hà Nội mới có internet để học còn ở quê thì không. Không ngờ dịch lâu đến thế.

Em đang làm cộng tác viên ở công ty Luật nên cũng có chút chi phí trang trải sinh hoạt, bố mẹ ở quê cũng khó khăn, vì vậy gọi điện về nhà em không dám kể lể vì sợ bố mẹ lo lắng thêm.

Chấu im lặng hồi lâu rồi kể tiếp, mùa này ở trên quê em ngô năm cũ mới hết mà năm mới thì chưa đến mùa nên việc ăn uống của gia đình cũng khó khăn... Thỉnh thoảng có tháng em gửi chút tiền nhỏ về cho bố mẹ mua gạo nhưng giờ thì...

"Lúc chưa giãn cách, ngày tụi em ăn 2 bữa cơm, còn bây giờ thì nấu ăn 1 bữa sáng, tối ăn mì tôm, có khi nhịn luôn. Mỗi tuần, phòng 3 người chúng em sẽ cử 1 bạn đi mua đồ để đảm bảo giãn cách nhưng chỉ mua mì gói, phở gói thôi", Chấu kể.

Lưu Thanh Sang dí dỏm tiếp lời Chấu, tụi em ăn mì tôm nổi mụn nhiều nhưng ăn nhanh và rẻ, trưa còn ăn nhiều rau nên chắc vẫn đủ chất. Giờ mọi thứ đều tăng, trứng trước đây 2.500-3000 đồng/quả giờ 5000-6000/quả, thôi thì phải cắn răng mua, chỉ có đồ khô như mì tôm là không tăng nhiều.

Hết gạo vì... xe khách không chạy

Cầu Diễn là nơi có nhiều sinh viên đang lưu trú "mắc kẹt" tại Hà Nội trong mùa dịch này. Trong căn phòng chừng 15-16m2, Hoàng Seo Hồng, sinh viên năm nhất, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội đang ăn tạm bát mì chay chống đói.

"Trường em học 3 kỳ, kỳ 3 học hè, vừa học xong thì dịch thì phong tỏa toàn thành phố, không có xe chạy về nên em đành ở lại Hà Nội. Hơn nữa, quê em ở tận Mường Lát, Thanh Hóa, không có sóng điện thoại nói gì đến mạng wifi, 3G, 4G nên không thể học online được".

Dù chôn chân ở trong nhà nhiều tháng nay nhưng Hồng lạc quan “mọi thứ vẫn ổn”. Ngặt nỗi, mọi khi bố mẹ vẫn gửi gạo đủ 1-2 tháng nhưng nay xe khách không hoạt động nên số gạo còn lại trong thùng đã cạn.

Em không thể liên lạc về nhà vì quê em không có sóng điện thoại, trừ khi bố mẹ chạy ra trung tâm thì mới gọi xuống được. Bố mẹ cũng không dùng thẻ ngân hàng, em cũng không hay về nhà, lúc về thì bố mẹ chỉ chu cấp 1 lần thôi. Gạo quê gửi ra đã hết nên em phải đi mua gạo cầm chừng.

Mùa dịch đi chợ đắt hơn bình thường, 1 bó mùng tơi 5.000 đồng nhưng đợt này giá lên 10.000 đồng. Bình thường một bữa tiêu chuẩn tầm 30 nghìn đồng nhưng mùa này thì chỉ ăn 10-15 nghìn đồng và mua đủ ăn.

Nghe tin Hà Nội tiếp tục giãn cách, Sùng Mí Long, sinh viên Trường ĐH Nội Vụ, quê ở Đồng Văn, Hà Giang cảm thấy có chút lo lắng. Ở Hà Nội, mọi chi phí sinh hoạt đều tăng lên trong khi em không đi làm thêm được.

Trước đây, Long làm thêm cho 1 Trung tâm thi lái xe nhưng Trung tâm đã sớm đóng cửa khi dịch bùng phát trở lại.

Em cũng đắn đo khi nhấc máy gọi về nhà xin phụ cấp từ bố mẹ. Quê em Hà Giang cũng có 1-2 ca dương tính, cũng đã đóng cửa chợ. Trước có xe đi lại, bố mẹ ở quê còn gửi đồ, gửi gạo xuống nhưng giờ mọi thứ đều phải tự mua trong khi chi phí tăng thêm.

Tiền điện nước, tiền phòng, tiền mạng một số nơi chủ nhà giảm bớt còn chỗ em thì không nên hơi vất một chút, Long nói.

Tạm thời em xem có công việc online nào, cố gắng ăn uống, chi tiêu tiết kiệm. Nếu được chúng em hy vọng có sự hỗ trợ về gạo, thực phẩm để chúng em có thể bám trụ sinh hoạt hằng ngày.

Tuy nhiên cả nước cũng đang khó khăn. Chỗ em chưa có ca dương tính nào, em mong nếu được thì sẽ tham gia vào các chương trình tình nguyện chống dịch. Em không cần hỗ trợ nhiều nhưng khi tham gia tình nguyện mình vừa đóng góp vào công tác chống dịch, vừa có thể được ăn uống, có chỗ ngủ nghỉ, Long mong mỏi.

Sinh viên khó khăn đang cần hỗ trợ

Được biết, “Siêu thị mini 0 đồng” tại Hà Nội nằm trong chiến dịch Hà Nội Trái tim hồng do ba đơn vị đồng phối hợp tổ chức là Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hà Nội, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội và Hiệp Hội Nữ doanh nhân Hà Nội đi vào hoạt động mấy ngày nay cũng đã giúp cho một số sinh viên đỡ phần nào khó khăn.

Đồng thời một số trường ĐH cũng có phương án hỗ trợ sinh viên chưa thể về quê. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, sinh viên ở ký túc xá của trường hiện đều được nhà trường chăm lo đầy đủ. Các tổ chức xã hội như Thành đoàn cũng hỗ trợ các em, có sự chia sẻ như các cửa hàng 0 đồng trên địa bàn phường Bách Khoa.

"Các em nhận được sự hỗ trợ của thành đoàn, nhà trường, ban quản trị ký túc xá luôn theo sát các em. Chúng tôi làm việc với phường để các em được tiêm phòng trong thời gian vừa rồi".

Ông Thắng cho biết, nhà trường có 35.000 sinh viên, trong đó hơn 100 sinh viên nước ngoài ở Việt Nam. Trường thiết lập đường dây nóng, email trao đổi bằng tiếng Việt cũng như bằng tiếng Anh để các em học chương trình quốc tế biết thông tin. Sinh viên quốc tế phần lớn các em được cấp kinh phí khi đến Việt Nam từ các nguồn Đại sứ quán, được chuyên viên phòng công tác sinh viên quan tâm.

Tuy nhiên, số sinh viên của nhiều trường ĐH, cao đẳng đang mắc kẹt trên địa bàn Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn như Sùng Thị Chấu, Lưu Thanh Sang, Hoàng Seo Hồng không phải là nhỏ. Các em đang rất cần sự hỗ trợ khi Hà Nội tiếp tục giãn cách để phòng dịch Covid-19.