Ông Vũ Thanh Thắng - nhà sáng lập Cty cổ phần An ninh mạng SCS, chuyên gia về lĩnh vực AI cho biết: Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng vào 7 lĩnh vực chính tại Việt Nam. Về y tế, AI hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, dự đoán bệnh tật, và cải thiện quy trình khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng phân tích dữ liệu y tế. Hệ thống học tập cá nhân hóa, trợ lý ảo, và các nền tảng e-learning tích hợp AI giúp tối ưu hóa trải nghiệm học tập. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, AI hỗ trợ phân tích rủi ro, phát hiện gian lận, và cải thiện dịch vụ khách hàng thông qua chatbot và hệ thống phân tích dữ liệu. Trong nông nghiệp, ứng dụng AI trong canh tác thông minh, giám sát thời tiết, và phân tích dữ liệu nông nghiệp để tăng năng suất. Không ít nông dân đã biết áp dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh, đã thu được những thành công nhất định. Với giao thông - logistics, công nghệ trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong các hệ thống điều phối giao thông, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, và phát triển xe tự hành. Với thương mại điện tử, AI giúp gợi ý sản phẩm, phân tích hành vi người dùng, và cải thiện dịch vụ khách hàng. Đặc biệt, AI hỗ trợ xử lý dữ liệu lớn, cải thiện dịch vụ công và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trong thời gian tới, theo nhiều chuyên gia, AI tiếp tục mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống và kinh tế tại Việt Nam.

Bên cạnh những lợi ích vượt bậc, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng mang lại một số tác động tiêu cực. Việc tự động hóa do AI dẫn đến nguy cơ mất việc làm, đặc biệt trong các ngành nghề lặp đi lặp lại hoặc không yêu cầu kỹ năng cao, chính vì vậy khi công nghệ trí tuệ nhân tạo được áp dụng triệt để sẽ dẫn đến những nguy cơ mất việc làm do công cụ hỗ trợ thay thế. Sự phát triển của AI trong phân tích dữ liệu lớn (big data) có thể xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân thông qua việc thu thập và sử dụng thông tin mà không có sự đồng ý rõ ràng. Các hệ thống AI có thể phản ánh hoặc thậm chí khuếch đại các thành kiến có trong dữ liệu mà chúng được đào tạo, gây ra sự bất công trong các lĩnh vực như tuyển dụng, tín dụng, hoặc y tế. AI được sử dụng để tạo nội dung giả mạo (deepfake) hoặc các thuật toán tối ưu hóa việc lan truyền tin tức giả, ảnh hưởng đến xã hội và chính trị, lan truyền thông tin sai lệch. Sự lạm dụng AI có thể dẫn đến tình trạng con người phụ thuộc quá mức vào công nghệ, làm giảm kỹ năng tư duy độc lập và khả năng giải quyết vấn đề. AI không chỉ giúp bảo mật mà còn có thể bị lợi dụng để tấn công mạng, làm gia tăng nguy cơ về các cuộc tấn công tinh vi hơn. Nếu không được quản lý tốt, các hệ thống AI phức tạp có thể hoạt động ngoài ý muốn hoặc gây hậu quả không mong muốn cho con người. Những vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để xây dựng các quy định, chiến lược và đạo đức AI nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số vừa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, trong đó có nội dung về Công nghiệp bán dẫn, tài sản số, trí tuệ nhân tạo AI. Dự thảo luật dành riêng chương 6 quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) với định hướng đây là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Ông Vũ Thanh Thắng cho rằng, việc đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy định trong dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là một bước đi cần thiết và kịp thời đối với Việt Nam.

AI đang phát triển nhanh chóng và ngày càng hiện diện trong nhiều lĩnh vực. Việc có một khung pháp lý cụ thể sẽ giúp định hướng các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đồng thời đảm bảo sự phát triển này tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, bảo vệ quyền lợi của con người. Thêm vào đó, khi quy định AI trong Luật sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này, đồng thời hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Thắng, AI không chỉ là một công nghệ mà còn là động lực chính để Việt Nam vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Việc luật hóa ẽ quản lý rủi ro và tác động tiêu cực của AI, thông qua các quy định về tiêu chuẩn, an toàn, và trách nhiệm của các bên liên quan khi phát triển và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, AI đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh mạng và kinh tế. Một khung pháp lý mạnh mẽ sẽ giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền công nghệ và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề trọng yếu quốc gia. Thêm vào đó, nhiều quốc gia như Mỹ, EU, và Trung Quốc đã triển khai các chiến lược và quy định liên quan đến AI. Việc xây dựng luật về công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng quốc tế, tham gia sâu hơn vào các diễn đàn công nghệ toàn cầu, và thu hút đầu tư nước ngoài.“Quy định về trí tuệ nhân tạo trong Luật Công nghiệp công nghệ số là một bước đi chiến lược, không chỉ giúp quản lý tốt hơn mà còn thúc đẩy AI trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai” - Chuyên gia về lĩnh vực AI Vũ Thanh Thắng nhấn mạnh./.

Mời các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với ông Vũ Thanh Thắng - nhà sáng lập công ty cổ phần ANM SCS - Chuyên gia về lĩnh vực AI tại đây: