Theo thống kê của các cơ quan chức năng, số tiền chậm, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đến thời điểm này khoảng 14.000 tỷ đồng. Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên, trong đó hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn. Nhiều người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi khi doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết: Hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, công ty có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về Tội trốn đống BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động được quy định tại Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.

Theo Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), mức phạt tiền cao nhất đối với tội trốn đóng BHXH có thể lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Ngoài các chế tài nêu trên, doanh nghiệp còn bị truy nộp số tiền BHXH phải đóng và buộc nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.

Luật sư Trần Xuân Tiền cũng cho hay: Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014; Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đã quy định rõ: Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH. Ngoài ra còn bị xử lý theo quy định như: Xử phạt vi phạm hành chính, truy tố trách nhiệm hình sự. DN bắt buộc phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

Về phía người lao động đề nghị DN thực hiện trách nhiệm đóng BHXH cho mình theo đúng quy định của Luật BHXH, trường hợp DN cố tình không thực hiện, người lao động có thể thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty để khiếu nại về việc này hoặc kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, hoặc cơ quan BHXH nơi đơn vị tham gia BHXH để tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm và yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai việc tra cứu trực tuyến quá trình đóng BHXH để tạo thuận lợi nhất cho người tham gia không phải đi lại đến cơ quan BHXH như truy cập Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn

Sau đó, thực hiện tích chọn lần lượt các bước gồm tra cứu trực tuyến, tra cứu quá trình tham gia BHXH, nhập đầy đủ các thông tin cá nhân, lấy mã tra cứu OTP (tự động gửi vào địa chỉ email), nhập mã tra cứu (trong khoảng thời gian vài phút), tra cứu.

Ngoài cách tra cứu quá trình đóng BHXH trên ứng dụng VssID, người tham gia còn có thể tra cứu theo cách sau. Soạn tin nhắn theo cú pháp gửi 8079 theo hướng dẫn tại Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Để xác định cụ thể nguyên nhân quá trình đóng BHXH trên ứng dụng VssID chưa hiện thị đầy đủ, người tham gia còn có thể liên hệ tổng đài 1900.9068 hoặc trực tiếp đến cơ quan BHXH nơi đang tham gia đóng để được hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi.

Luật sư Trần Xuân Tiền nhấn mạnh: Trường hợp người sử dụng lao động không đóng BHXH cho công nhân, người lao động cũng có quyền khởi kiện đến Toà án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm. Thủ tục khởi kiện như sau:

· Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Hồ sơ gồm có:

Đơn khởi kiện (phải đáp ứng đầy đủ các nội dung chính được quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) và các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh cho yêu cầu khởi kiện;

· Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân/CCCD (hoặc hộ chiếu);

· Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động, hợp đồng học nghề,…

· Biên bản hoà giải không thành của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động đối với tranh chấp lao động cá nhân (nếu có).

· Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao).

Lưu ý: Các tài liệu nêu trên nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt Nam theo quy định trước khi nộp và nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu, đảm bảo tính chính xác.

Bước 2: Gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Công ty có trụ sở. Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải xem xét đơn khởi kiện, nếu đủ yêu cầu sẽ tiến hành thụ ký vụ án. Thẩm phán sẽ thụ lý vụ án sau khi người khởi kiện đã nộp đầy đủ tiền tạm ứng án phí.

Mời quý vị và các bạn nghe tư vấn của luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng luật sư Đồng Đội về các trường hợp khi doanh nghiệp trốn đóng BHXH tại đây: