Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất bổ sung quy định hoạt động của người có ảnh hưởng như nghệ sĩ, KOLs khi quảng cáo sản phẩm.

Theo đó, dự thảo đề cương nêu rõ: “Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu: phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”.

Rất nhiều người ủng hộ và cho rằng đề xuất là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh quảng cáo tràn lan, bát nháo như hiện nay. Theo TS Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh thì đề xuất này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất là hay, thiết thực và hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong đề xuất cũng cần làm rõ hơn, thế nào là người có tầm ảnh hưởng, ở mức độ nào? Thứ hai là cần thêm có những cơ sở pháp lý đối với chứng nhận tiêu chuẩn của các sản phẩm này. Những người tham gia quảng cáo buộc phải hiểu, phải đọc mới nhận lời quảng cáo cho các sản phẩm đó.

Kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo dựa trên hình ảnh và thương hiệu cá nhân là hợp pháp. Thế nhưng nếu bất chấp hoặc dễ dãi hay vì lợi ích trước mắt mà không kiểm chứng nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thì chính các nghệ sĩ đó đã vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng. Chính vì thế, nếu đề xuất này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thông qua thì có thể ngăn chặn, hạn chế được tình trạng nhiều nghệ sĩ đang bất chấp để quảng cáo sai sự thật. “Nếu đề xuất này được thông qua thì nó tốt được về tất cả các phía, thể hiện được trách nhiệm của tất cả các bên khi tham gia: nhà nước có trách nhiệm hơn, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm của mình, các nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo thì phải tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm”, TS Đặng Vũ Cảnh Linh khẳng định.

Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề phức tạp, cần có sự cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng giữa các cơ quan quản lý, các nghệ sĩ và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý và đáng tin cậy. Chính vì thế một vấn đề đặt ra là khi các nghệ sĩ, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo dùng và thẩm định sản phẩm thì ai sẽ là người kiểm tra, giám sát, đánh giá độ xác thực của những đánh giá đó đang là vấn đề cần quan tâm. TS Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng nên có một khung khi đưa ra một chế tài. Tức là khi các nghệ sĩ tham gia quảng cáo, nếu họ thể hiện cảm xúc của họ thì chỉ về cái việc sử dụng sản phẩm đấy thôi. Còn về chất lượng của sản phẩm thì phải có những minh chứng. Nếu như chúng ta làm được câu chuyện này thì không cần quan tâm đến việc thẩm định những lời các nghệ sĩ nói bởi vì những lời đó nó chỉ mang tính chất cảm xúc thôi.

Đề xuất nghệ sĩ phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo: Khó nhưng cần thiết. Đặc biệt nếu đề xuất của được thông qua thì cũng gặp không ít khó khăn khi kiểm tra, giám sát thực thi việc này. Bởi vậy cần tạo ra các cơ chế đảm bảo tính độc lập và khách quan trong việc thẩm định sản phẩm để các cơ quan thẩm định không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các bên liên quan hoặc lợi ích cá nhân. Theo TS Đặng Vũ Cảnh Linh, quan trọng nhất là phải có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các nhà chuyên môn, đặc biệt là các cơ quan khoa học. Chẳng hạn như thuốc đông y thì phối hợp với hội đông y, các nhà đông y thẩm định về chất lượng các sản phẩm đó. Bên cạnh đó cũng cần những chế tài, quy trình hướng dẫn việc này thì mới làm được và làm dần dần chứ không thể làm ngay tất cả các sản phẩm.

Việc thực hiện chế tài thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một quá trình phức tạp và cần sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả trong hoạt động quảng cáo nhưng cũng bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Chính vì thế, không thể nóng vội mà cần phải có một lộ trình. TS Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, trên thực tế, quyền lợi của người tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi. Cho nên cần có những chế tài mạnh để xử lý các trường hợp quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt là từ phía doanh nghiệp, bởi vì đôi khi những người quảng cũng là căn cứ vào hợp đồng và những lời nói như vậy thôi, nên các doanh nghiệp phải có sự cam kết rõ ràng về sản phẩm của mình.

Sau rất nhiều những quảng cáo sai sự thật của một số nghệ sĩ, đã đến lúc cần chấn chỉnh để trả lại môi trường trong lành cho xã hội và cho chính nghệ thuật. Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo có thể coi là một biện pháp hữu ích trong việc đảm bảo tính trung thực và đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo, giúp người tiêu dùng không bị lừa đảo hoặc nhận thông tin sai lệch về sản phẩm, cũng qua đây giúp tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các nghệ sĩ và thương hiệu nhãn hàng. Quan trọng là cần một lộ trình hợp lý để việc triển khai thực hiện được hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch, khách quan.