Sáng 21/5, Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là bước thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa XIII, nhất là Nghị quyết số 60-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã.
Nội dung Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điều chỉnh tập trung vào việc xác lập lại vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn và mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Đồng thời, luật hóa nguyên tắc tổ chức, hoạt động và mô hình tổ chức phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp.

Một trong những thay đổi nổi bật là việc khẳng định rõ hơn vai trò của MTTQ Việt Nam là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị. MTTQ giữ vai trò chủ trì trong phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo riêng biệt của từng tổ chức. Các tổ chức chính trị - xã hội, hội được giao nhiệm vụ chính trị đều là tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Đặc biệt, MTTQ Việt Nam sẽ không tổ chức ở cấp huyện nhằm đồng bộ với việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Quy định mới cũng xác lập rõ trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ trong giám sát, phản biện xã hội, bầu hội thẩm nhân dân và tiếp xúc cử tri.
Với Luật Công đoàn, nội dung sửa đổi tập trung vào việc tái cấu trúc hệ thống tổ chức công đoàn theo hướng tinh gọn, phù hợp với thực tiễn. Công đoàn được khẳng định là tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam và là đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động quốc gia và quốc tế.
Dự thảo luật cũng điều chỉnh hoạt động công đoàn trong khu vực nhà nước, theo đó sẽ chấm dứt hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam. Công đoàn trong các đơn vị sự nghiệp hưởng 100% ngân sách nhà nước sẽ tổ chức lại phù hợp với mô hình chung. Bên cạnh đó, các quy định về kinh phí, tài sản công đoàn, thẩm quyền trình dự án luật và hoạt động giám sát cũng được điều chỉnh để phù hợp với Hiến pháp và thực tiễn mới.

Đối với Luật Thanh niên, điểm sửa đổi quan trọng là khẳng định Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam. Mối quan hệ phối hợp giữa hai tổ chức trong công tác giám sát, phản biện xã hội sẽ được quy định rõ, bảo đảm thống nhất trong hoạt động.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được sửa đổi với 31 điều, tập trung vào việc bãi bỏ các quy định không còn phù hợp như trách nhiệm của Công đoàn Viên chức; chuyển giao nhiệm vụ về dân chủ tại nơi làm việc từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ Nội vụ; đồng thời làm rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội - Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi các luật để phù hợp với chủ trương của Đảng, yêu cầu thực tiễn và tiến độ sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban tán thành với dự thảo Luật nhưng đề nghị cần tiếp tục rà soát để đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật MTTQ và các luật khác. Đặc biệt, cần quy định rõ hơn về tính “độc lập tương đối” của các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đồng thời bảo đảm quyền chủ động, sáng tạo trong khuôn khổ điều lệ và pháp luật.

Ủy ban cũng đề nghị cơ quan chủ trì cập nhật kịp thời những nội dung liên quan trong Hiến pháp sửa đổi, đồng thời nghiên cứu các cam kết quốc tế để luật có tính khả thi cao hơn trong thực tiễn.
Dự thảo Luật quy định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, kèm theo các quy định chuyển tiếp nhằm bảo đảm tính kế thừa và ổn định trong tổ chức bộ máy, đặc biệt là với các tổ chức công đoàn đang được tái cơ cấu.
Việc sửa đổi đồng bộ 4 luật lớn lần này là bước đi quan trọng trong triển khai các Nghị quyết của Trung ương, tạo cơ sở pháp lý để củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân.