Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với đề xuất tiếp tục giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 8% để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện quy định pháp lý và tổ chức thực hiện, đặc biệt trong khâu hoàn thuế và chuyển tiếp chính sách.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, chính sách giảm VAT là “một trong số những chính sách tài khóa có hiệu lực ngay trong việc kích thích tăng tiêu dùng”, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hướng vào nội địa. Theo bà Thu, khác với các sắc thuế khác, thuế VAT “tác động ngay và luôn tới toàn xã hội, từ tổ chức, cá nhân đến doanh nghiệp, từ khâu sản xuất đến lưu thông, tiêu dùng”.

Đại biểu cũng dẫn số liệu từ Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy việc giảm thuế VAT dự kiến khiến ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 121.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2026. Tuy nhiên, thực tiễn 3 năm gần đây cho thấy việc giảm thuế đã hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, từ đó giúp kinh tế tăng trưởng cao (lần lượt là 8,54%, 5,07% và 7,09%), đồng thời kiểm soát lạm phát tốt hơn nhiều quốc gia khác.

Đáng chú ý, bà Thu đánh giá cao đề xuất lần này của Chính phủ khi mở rộng đối tượng được giảm thuế, bao gồm cả sản phẩm công nghệ thông tin, sản phẩm kim loại đúc sẵn và nhóm hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như xăng dầu. “Việc mở rộng như vậy sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời người tiêu dùng được hưởng lợi ngay lập tức,” đại biểu khẳng định.

Bên cạnh sự đồng thuận cao, một số đại biểu đã chỉ rõ những bất cập trong khâu thực thi chính sách. Phản ánh bức xúc trong doanh nghiệp thời gian qua, đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu rõ thực trạng: “Thu thì rất dễ, hoàn thì rất khó”. Ông đề nghị cần quy định rõ ràng và công bằng về trách nhiệm pháp lý giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế. “Doanh nghiệp nộp chậm thuế thì bị phạt. Vậy cơ quan chức năng nếu chậm hoàn thuế khi doanh nghiệp đúng luật thì cũng phải chịu trách nhiệm tương tự,” ông Thân thẳng thắn đề xuất.

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của chính sách giảm thuế. Ông phản ánh: “Không ít trường hợp doanh nghiệp được giảm thuế đầu ra nhưng không giảm giá bán”, dẫn đến người tiêu dùng không được hưởng lợi. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ “tăng cường cơ chế theo dõi, kiểm soát giá bán trên thị trường” nhằm bảo đảm mục tiêu chính sách là kích cầu tiêu dùng thực chất.

Ngoài ra, ông Quân cũng chỉ ra vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp khi thực hiện chính sách. “Các văn bản hướng dẫn thường được ban hành quá sát thời điểm có hiệu lực”, khiến doanh nghiệp không kịp điều chỉnh phần mềm, hợp đồng và quy trình bán hàng, dẫn đến sai sót. Ông đề nghị có hướng dẫn sớm, đầy đủ và cụ thể, nhất là với các giao dịch ký hợp đồng trước nhưng xuất hóa đơn sau.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định kéo dài chính sách giảm thuế VAT đến hết năm 2026, thay vì chỉ 6 tháng như trước đây. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Giảm VAT không chỉ tác động ngay đến người tiêu dùng mà còn hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp sản xuất, xuất - nhập khẩu hàng hóa”.

Liên quan đến đề xuất của đại biểu Thân về vấn đề hoàn thuế, ông Thắng cho biết theo quy định của Luật Quản lý thuế, thời gian hoàn thuế sau kiểm tra chứng từ tối đa là 40 ngày. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận “đúng như đại biểu nói, cũng có những trường hợp thời gian dài hơn”, và cam kết: “Chúng tôi sẽ ghi nhận và chấn chỉnh để đảm bảo hoàn thuế sớm nhất có thể cho doanh nghiệp”.

Chính sách giảm thuế VAT tiếp tục nhận được sự đồng thuận cao từ Quốc hội, với những luận cứ rõ ràng về tác động tích cực đến tăng trưởng, tiêu dùng và kiểm soát lạm phát. Tuy vậy, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, các đại biểu đề nghị cần đảm bảo khâu thực hiện thông suốt, nhất là ở các điểm nghẽn như hoàn thuế chậm và kiểm soát lợi ích người tiêu dùng. Các cam kết từ Bộ Tài chính là tín hiệu tích cực, nhưng cần được thể chế hóa bằng hành động cụ thể, kịp thời và công bằng.