Mức đóng BHXH tự nguyện từ 1/7/2024.

Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện quy định: Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025: Chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn hiện nay là 1.500.000 đồng/tháng.

Kể từ 01/7/2024, theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 2.340.000 đồng/tháng.

Mức thấp nhất tham gia BHXH tự nguyện: Bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn hiện nay là 1.500.000 đồng/tháng. Do đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu được tính là: 22% x 1.500.000 = 330.000 đồng/tháng

Mức cao nhất tham gia BHXH tự nguyện: Bằng 20 lần mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/07/2024). Vì vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa là: 22% x 20 x 2.340.000 = 10.296.000 đồng/tháng.

Người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ ra sao khi mức lương tối thiểu thay đổi?

Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Hộ nghèo (30%): 1.500.000 x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.

- Hộ cận nghèo (25%): 1.500.000 x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.

- Người tham gia khác (10%): 1.500.000 x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.

Tạm dừng đóng BHXH tự nguyện trong bao lâu sẽ bị tính lãi?

Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện quy định về thời điểm đóng BHXH tự nguyện như sau:

a) Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng;

b) Trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần;

c) Trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần;

d) Trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

Quá thời điểm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội thì được coi là tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Người đang tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (lãi suất đầu tư quỹ năm 2023 Ngành BHXH Việt Nam công bố là 4,36%/năm, tương đương 0,363%/tháng), về cách thức tính lãi chậm đóng bạn có thể tham khảo tại Điều 11 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.

Mời các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với chuyên gia BHXH về quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện tại đây: