Đa dạng hóa giáo dục và lựa chọn của người học

Trung tâm giáo dục quốc tế, đại học Hà Nội thiết kế bắt mắt, trẻ trung và gần gũi. Lướt qua các lớp học, nếu không được thầy Nguyễn Nhật Tuấn, Giám đốc trung tâm, phụ trách trực tiếp chương trình Cử nhân kinh doanh, chuyên ngành Quản trị du lịch và sản phẩm giải trí giới thiệu, sẽ rất khó để hình dung sinh viên đang trong giờ học chính khóa. Ở một lớp năm thứ 3, khoảng 20 học viên chia thành các nhóm nhỏ thảo luận một chủ đề. Giảng viên tham gia cùng từng nhóm bằng những góp ý, trao đổi, hướng dẫn và nhận cả những phản biện từ sinh viên. Chương trình về quản trị du lịch liên kết với đại học IMC Krems, cộng hòa Áo đến thời điểm này đã bước sang năm thứ 11.

“Chương trình học có 6 kỳ, từ kỳ 1 đến kỳ 3 các bạn sẽ học tại Trường Đại học Hà Nội. Đối với những bạn xuất sắc nhất sau kỳ 1 và 2 có thể chuyển sang học kỳ 3 trao đổi tại đại học IMC Krems theo học bổng Châu Âu. Kỳ 4 sẽ là kỳ thực tập. Đây là đặc điểm khác biệt nhất trong đào tạo bởi thường sinh viên sẽ thực tập trải nghiệm, thực tập vào năm cuối nhưng ở đây thành một kỳ học, triết lý giáo dục nằm ở việc xác định bản thân càng sớm, sinh viên sẽ càng rõ được hướng đi trong tương lai”, thầy Nhật Tuấn chia sẻ.

Việc đưa kì thực tập sớm hơn so với cách thường làm theo thầy Nhật Tuấn đem lại hiệu quả cho mỗi sinh viên khi xác định rõ ràng việc mình muốn làm gì. Và sau giai đoạn này, nhiều sinh viên đã có được công việc làm thêm ở những tập đoàn khách sạn, lữ hành lớn.

Với khả năng ngoại ngữ tốt, việc thực tập của sinh viên liên không bị hạn chế trong lãnh thổ Việt Nam. Nhiều sinh viên đã chọn sang Châu Âu, các quốc gia Ả Rập, Châu Úc... để thử thách bản thân cũng như rèn luyện được kỹ năng làm việc ở những tập đoàn du lịch, khách sạn và lữ hành quốc tế. Các bạn lúc này theo thầy Tuấn đã trở thành công dân toàn cầu với khả năng chủ động và độc lập.

Sinh viên học hệ liên kết đều trải qua giai đoạn học dự bị nhằm trang bị chắc kĩ năng ngoại ngữ để có thể tự tin nắm bắt kiến thức chuyên ngành được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với tổng thời gian đào tạo kéo dài trong 3 năm.

Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên năm thứ 3 lớp đại học IMC Krems 22 vừa trở về sau kì thực tập hào hứng kể lại những trải nghiệm nghề nghiệp đầu tiên tại một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội. Được soi chiếu những kiến thức học cùng thầy cô, được trực tiếp bắt tay vào những phần việc nhỏ nhất trong công việc triển khai tour theo Thảo sẽ giúp em không bỡ ngỡ nghĩ thực sự bước vào thị trường việc làm.

Giữa vô số trường đào tạo ngành quản trị du lịch, khách sạn và lữ hành, quyết định chọn mô hình liên kết đào tạo bởi quá trình tìm hiểu, Phương Thảo nhận thấy những điểm phù hợp về năng lực, sở trường và cả môi trường học tập.

Ngô Văn Tuấn, sinh viên năm thứ nhất ngành quản trị du lịch, khách sạn và lữ hành hệ liên kết vừa trải qua giai đoạn học dự bị, bắt đầu bước vào học chuyên ngành cho biết từ khi học THPT bạn đã hứng thú và tìm hiểu về ngành học này ở tất cả các trường đại học trong nước. Với điểm chứng chỉ ngoại ngữ 7.0, Tuấn hoàn toàn có khả năng đỗ vào hệ chính quy đúng chuyên ngành quản trị du lịch, khách sạn và lữ hành của trường đại học Hà Nội nhưng em vẫn lựa chọn học liên kết.

“Đây là lần đầu tiên em học trong môi trường ngoại ngữ 100% nên em cũng thấy khá khó khăn nhưng em cũng cố gắng để theo được chương trình và có thể giành được cơ hội thực tập ở Áo”, Tuấn cho biết.

Từ chương trình đầu tiên bắt đầu từ năm 2002, đến nay trường đại học Hà Nội đã thêm những chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học khác thuộc nhiều quốc gia, châu lục. Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp phần nào cho thấy sự chấp nhận từ thị trường lao động cũng như xóa đi những lo lắng về bằng cấp lâu nay vẫn tồn tại.

Đào tạo liên kết đại học, đầu vào không quá khó nhưng đầu ra không dễ

Nghị định 86/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã góp phần xác nhận cũng như chuẩn hóa mô hình đào tạo liên kết vốn đã có từ trước đó gần hai mươi năm. Nghị định này có những quy định rõ ràng về việc thực hiện theo chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng; chương trình đào tạo được thực hiện toàn bộ tại Việt Nam hoặc một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam và của nước ngoài. Nghĩa là với Nghị định này, người học đã có thể phần nào yên tâm với lựa chọn mô hình liên kết đào tạo hay nói một cách dễ hiểu là “du học tại chỗ”.

Thầy Nhật Tuấn cho biết thời điểm đầu, học liên kết đại học hầu như chỉ có sinh viên trượt hệ chính quy và gia đình có khả năng chi trả mới lựa chọn theo học. Nhưng đến thời điểm này, cách thức tuyển sinh đã dần tiệm cận với nước ngoài bằng việc kết hợp học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, bài luận và phỏng vấn đầu vào.

Vẫn xoay quanh băn khoăn về chất lượng đào tạo liên kết giữa các trường đại học trong nước với các đại học nước ngoài, TS Nguyễn Ngọc Tân, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, trường đại học Hà Nội cho rằng phụ huynh, thí sinh cần nhìn nhận từ góc độ khác nhau thay vì chỉ từ cách đánh giá truyền thống của giáo dục trong nước.

“Các chương trình khi đưa vào liên kết đều phải theo quy trình từ xây dựng đề án qua các chuẩn kiểm định theo Nghị định 86 và các thông tư khác của Chính phủ và Bộ Giáo dục-Đào tạo, thêm cả những chuẩn quốc tế trong giáo dục mới có thể liên kết được.

Bên cạnh đó tư duy giáo dục theo chuẩn nước ngoài cũng khác. Trong nước đánh giá bằng thi tốt nghiệp, bằng điểm số đầu vào, các em cạnh tranh khốc liệt nhưng ở nước ngoài cơ hội vào đại học cao. Tuy nhiên sẽ khó để chứng minh năng lực học tập trong suốt quá trình, không có chuyện các em vào được và ra được một cách dễ dàng. Không phải em nào vào học hệ liên kết cũng kết thúc thành công nếu không cố gắng trong suốt thời gian học tập”, TS Nguyễn Ngọc Tân phân tích.

Về vấn đề chi phí, một trong những “thử thách” không nhỏ cho việc lựa chọn học mô hình liên kết ở bậc đại học, TS Nguyễn Ngọc Tân cho rằng có hai yếu tố khiến chi phí không còn làm rào cản với số đông thí sinh.

Trước tiên phải khẳng định mức sống của đại bộ phận người dân đã được nâng lên nhiều, sự quan tâm cũng như mức chi trả cho giáo dục nằm trong ưu tiên hàng đầu của nhiều gia đình.

Việc các trường đại học được tự chủ cũng góp phần không nhỏ để liên kết đào tạo với nước ngoài nở rộ. Trước đây, khi nhà nước hỗ trợ học phí, khoảng cách giữa học phí đại học công lập hệ chính quy rất xa so với việc “du học tại chỗ”. Tuy nhiên như thầy Tân phân tích khi các trường đại học thực hiện tự chủ, nhiều trường top đầu xây dựng và khẳng định được thương hiệu cho các ngành đào tạo, mức học phí đã có thể ở mức vài chục triệu/học kỳ, đồng nghĩa cả trăm triệu đồng cho suốt 4 năm học. Trong khi một chương trình quốc tế chất lượng tốt, sử dụng ngoại ngữ trong suốt quá trình giảng dạy từ đội ngũ giảng viên trong nước và quốc tế, mức phí chỉ gấp rưỡi hoặc gấp đôi hoàn toàn trong khả năng chi trả của nhiều phụ huynh.

Theo TS Trần Thị Phương Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam mô hình đào tạo liên kết bậc đại học sẽ còn phát triển hơn nữa bởi nhiều lý do. Trong đó, so với du học, mức chi phí của mô hình đào tạo liên kết “nhẹ” hơn rất nhiều và chuẩn đầu ra được quốc tế công nhận. Cụm từ “du học tại chỗ” phù hợp với mô hình này khi sinh viên vẫn được ở gần gia đình, phụ huynh không quá lo lắng khi con em phải xa nhà, sang một quốc gia khác với quá nhiều khác biệt về văn hóa, lối sống, tránh được những cú “sốc” hòa nhập. Đặc biệt khi tính tự lập của học sinh Việt Nam chưa cao.

Trước băn khoăn về nhiều mô hình đào tạo liên kết đặt chuẩn tuyển thấp hơn thậm chí cùng ngành đào tạo chính quy của chính trường đại học đó, bà Phương Nam phân tích chuẩn đầu vào các trường công bố đặt ra mức tối thiểu cần đạt. Còn thực tế tuyển sinh kể cả chính quy trong nước hay liên kết đào tạo đều tuân theo nguyên tắc xét từ cao xuống thấp, từ trên xuống dưới, đáp ứng yêu cầu đào tạo càng cao càng tốt. Cùng với đó, các trường tổ chức đào tạo liên kết đều tổ chức giai đoạn học dự bị nhằm giúp sinh viên đủ năng lực ngoại ngữ tiếp thu kiến thức từ giảng viên bản địa.

“Học sinh ở Việt Nam nói chung, trừ học sinh ở một vài thành phố lớn, khả năng ngoại ngữ, đặc biệt nghe nói chưa thực sự tốt. Nhưng tôi tin khi được bồi dưỡng, rèn luyện theo yêu cầu đào tạo các em sẽ đáp ứng việc học tập theo nội dung của các trường đại học nước ngoài. Chưa kể chuẩn đầu ra của các trường liên kết phải đạt chuẩn theo các trường đại học ở nước ngoài nên sinh viên phải nỗ lực rất nhiều”, bà Phương Nam phân tích.

Khi quyết định chọn học đại học mô hình liên kết quốc tế, bên cạnh việc tìm ngành học, khóa học phù hợp năng lực, sở thích, tài chính gia đình, TS Phương Nam khuyên phụ huynh và thí sinh nên tìm hiểu kĩ uy tín cả hai trường đại học phía Việt Nam và nước ngoài.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: